Bộ Y tế vừa có Chỉ thị 847 về các giải pháp để đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ y tế sau khi điều chỉnh giá dịch vụ và sử dụng có hiệu Bảo hiểm y tế (BHYT), bộ yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; bố trí, điều tiết nhân lực và các buồng khám, bàn khám phù hợp với nhu cầu khám bệnh của người dân, đặc biệt là vào các thời điểm cao điểm để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, bác sĩ và nhân viên y tế có đủ thời gian để khám, tư vấn cho người bệnh…
Các bệnh viện tuyến trên tập trung khám, chữa các bệnh theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật; đối với các trường hợp không cần điều trị hoặc tái khám ở bệnh viện tuyến trên thì phải giới thiệu, tư vấn để người dân đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế tuyến dưới, nhất là tuyến y tế cơ sở để vừa bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT, vừa giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên…
Giám đốc các cơ sở khám, chữa bệnh phải nâng cao chất lượng điều trị để giảm thời gian điều trị nội trú của người bệnh; thực hiện nghiêm các giải pháp giảm quá tải; chú trọng công tác dinh dưỡng, tiết chế, kiểm soát nhiễm khuẩn…
Trước đó, để mức giá dịch vụ phù hợp với chi phí thực tế và khả năng cân đối Quỹ BHYT, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã khảo sát, tính toán chi phí thực tế của một số dịch vụ. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 15/2018 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp, có hiệu lực từ ngày 15/7/2018, trong đó điều chỉnh giá một số dịch vụ, kỹ thuật y tế.
Được biết đến nay, 86,9% dân số đã tham gia BHYT.
QUỲNH NHƯ