Thứ Hai, 25/11/2024 05:50 SA
Chương trình đào tạo tĩnh mạch trị liệu:
Góp phần điều trị, chăm sóc bệnh nhân tốt hơn
Thứ Sáu, 31/08/2018 13:00 CH

Học viên thực hành tiêm tĩnh mạch - Ảnh: YÊN LAN

Chương trình đào tạo rất thiết thực, bổ ích đối với công việc hàng ngày - đó là chia sẻ của các điều dưỡng - học viên về khóa đào tạo tĩnh mạch trị liệu vừa được Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) và Công ty TNHH B.Braun Việt Nam phối hợp tổ chức.

 

Theo tài liệu đào tạo, tĩnh mạch trị liệu (liệu pháp tĩnh mạch) là biện pháp điều trị bằng cách đưa thuốc, dịch, các chất dinh dưỡng… vào cơ thể qua đường tĩnh mạch. Tĩnh mạch trị liệu có hai hình thức: tiêm tĩnh mạch (đưa kim được gắn với một ống vô trùng để đưa một lượng thuốc vào cơ thể qua đường tĩnh mạch) và truyền tĩnh mạch (đưa kim được gắn với bình chứa dung dịch để đưa một khối lượng lớn dung dịch, thuốc, hóa chất và dinh dưỡng vào cơ thể qua đường tĩnh mạch), theo đơn của bác sĩ.

 

Tĩnh mạch trị liệu có ưu điểm là thuốc được hấp thu trực tiếp, trọn vẹn vào máu nên có tác dụng nhanh và hiệu quả cao; có thể điều chỉnh được liều lượng một cách nhanh chóng. Thuốc không qua hệ tiêu hóa nên không bị dịch tiêu hóa chuyển hóa, đồng thời tránh được các tác dụng bất lợi trực tiếp của thuốc trên ống tiêu hóa. Qua đường tĩnh mạch, nhân viên y tế đưa được các loại dung dịch, thuốc, hóa chất… gây kích ứng với tế bào (không tiêm bắp) vào cơ thể, vì lòng mạch ít nhạy cảm và thuốc được pha loãng trong máu nhanh.

 

Hình thức truyền tĩnh mạch cho phép thay thế, bù đắp nhanh chóng khối lượng tuần hoàn (nước, điện giải, máu, chất dinh dưỡng…) bị mất. Mặt khác, liệu pháp tĩnh mạch còn giảm cảm giác đau, khó chịu cho người bệnh. Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm, tĩnh mạch trị liệu cũng có nhược điểm là phản ứng không mong muốn xảy ra nhanh, thậm chí ngay lập tức; dễ gây phản ứng toàn thân (sốc phản vệ); tỉ lệ tai biến cao và nghiêm trọng hơn là có thể gây tử vong nhanh chóng.

 

Đưa thuốc, dịch, các chất dinh dưỡng, máu… vào cơ thể qua đường tĩnh mạch là việc làm thường xuyên của các điều dưỡng, nữ hộ sinh, tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng có những tai biến xảy ra. Tham gia khóa đào tạo tĩnh mạch trị liệu do Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Công ty TNHH B.Braun Việt Nam phối hợp tổ chức, 40 học viên là điều dưỡng trưởng các khoa, điều dưỡng trưởng của các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh được các giảng viên (đã được đào tạo về tĩnh mạch trị liệu) truyền đạt về cơ sở khoa học, pháp lý và đạo đức tĩnh mạch trị liệu; các kỹ thuật tĩnh mạch trị liệu; tai biến, biến chứng và cách xử trí.

 

Học viên được kiểm tra đầu khóa, kiểm tra lý thuyết cuối khóa, kiểm tra thực hành theo hình thức chia nhóm và chạy 5 trạm: quy trình tiêm truyền tĩnh mạch bằng máy bơm tiêm điện, quy trình tiêm truyền tĩnh mạch bằng máy truyền dịch, quy trình tiêm tĩnh mạch, quy trình tiêm truyền tĩnh mạch ngoại vi thông thường và quy trình truyền máu.

 

“Chương trình đào tạo rất thiết thực, bổ ích đối với điều dưỡng. Quy trình tiêm truyền được chúng tôi thực hiện hàng ngày, song qua khóa đào tạo này chúng tôi được cập nhật kiến thức mới, sử dụng những thiết bị mới của hãng B.Braun, đồng thời ôn lại kiến thức để vững hơn, thao tác chuẩn hơn”, Trương Thị Phụng, Điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên, chia sẻ. Còn cử nhân Đào Thị Mỹ Kiều, Trưởng Phòng Điều dưỡng - Bệnh viện Đa khoa Phú Yên nói: “Điều dưỡng ít có cơ hội tham gia các khóa đào tạo nên mọi người hào hứng đi học. Hy vọng là sẽ có thêm nhiều lớp đào tạo, tập huấn… dành cho điều dưỡng để anh chị em cập nhật từ kiến thức cho đến thực hành, trở về hướng dẫn nhân viên tốt hơn, có như vậy mới đồng bộ được”.

 

Theo bác sĩ Huỳnh Ngọc Đại Hiển, Giám đốc Kinh doanh khu vực miền Trung và cao nguyên - Công ty TNHH B.Braun Việt Nam, các điều dưỡng được đào tạo từ những trường khác nhau theo giáo trình chung, tuy nhiên khi thực hành thì sẽ có một số thao tác kỹ thuật được thực hiện khác, ví dụ như cách cầm kim luồn, thao tác cố định kim, sát trùng, chuẩn bị trước khi tiêm truyền… Tại Việt Nam, các bệnh viện tuyến trên thường xuyên quá tải. Công việc của điều dưỡng cũng quá tải; một điều dưỡng có thể chăm sóc từ hơn 10 cho đến 20 bệnh nhân, trong khi một điều dưỡng tại Philippines chăm sóc tối đa 4 bệnh nhân và nếu quá tải, họ có quyền từ chối không nhận bệnh. Được sự đồng ý của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Công ty TNHH B.Braun Việt Nam đồng hành với chương trình đào tạo tĩnh mạch trị liệu. Nội dung đào tạo do Cục Quản lý khám, chữa bệnh phụ trách nhằm chuẩn hóa quy trình này; Công ty TNHH B.Braun Việt Nam là nhà tài trợ chính. Chương trình đào tạo tĩnh mạch trị liệu của Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Công ty TNHH B.Braun Việt Nam được triển khai từ năm 2015 với tổng kinh phí hơn 300.000 euro, đến nay đã mở 9 khóa đào tạo giảng viên quốc gia với 360 giảng viên được đào tạo và hơn 40 khóa đào tạo cơ bản tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chương trình sẽ kết thúc vào cuối tháng 10/2018.

 

Tham gia chương trình đào tạo tĩnh mạch trị liệu, các học viên được chuẩn hóa quy trình, thực hành trên máy bơm tiêm điện, máy truyền dịch…, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn những yêu cầu về đảm bảo an toàn và hiệu quả cho người bệnh trong việc đưa thuốc, dịch… vào cơ thể. Chương trình đào tạo góp phần giúp công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân được tốt hơn.

 

BSCKII Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek