Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 56,9 triệu người chết trên toàn thế giới vào năm 2016, hơn một nửa (54%) do 10 nguyên nhân sau đây:
Thiếu máu cơ tim và đột quỵ gây tử vong hàng đầu, nguyên nhân này khiến 15,2 triệu người chết trong năm 2016. Đây cũng là bệnh lý gây tử vong hàng đầu trong vòng 15 năm qua.
Tiếp đến là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đã lấy đi 3 triệu người trong năm 2016, trong khi ung thư phổi bao gồm cả ung thư khí quản và ung thư phế quản gây nên 1,7 triệu cái chết. Tiểu đường làm 1,6 triệu người chết trong năm 2016, ít hơn 1 triệu người so với năm 2000. Chết do chứng giảm trí nhớ đã tăng gấp đôi vào năm 2016 so với con số này vào năm 2000, trở thành nguyên nhân đứng thứ 5 trong các nguyên nhân gây tử vong trong năm 2016.
Viêm phổi vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong trong số các trường hợp tử vong do bệnh lây nhiễm, làm cho 3 triệu người chết trên thế giới. Các bệnh tiêu chảy làm cho 1,4 triệu người chết năm 2016, giảm 1 triệu người so với năm 2000. Tương tự, số bệnh nhân chết do lao phổi giảm trong cùng giai đoạn, nhưng vẫn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên phạm vi toàn cầu và đã làm cho 1,3 triệu bệnh nhân tử vong. HIV/AIDS không còn nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu nhưng vẫn cướp đi sinh mạng của 1 triệu người trong năm 2016 (năm 2000 là 1,5 triệu người). Tai nạn giao thông làm 1,4 triệu người chết, khoảng 74% trong số đó là đàn ông và trẻ em trai.
Bệnh không lây nhiễm (NCDs) chiếm 71% trong các tử vong trên toàn cầu, dao động 37% ở các quốc gia có thu nhập thấp đến 88% ở các quốc gia có thu nhập cao.
Từ những phân tích, đánh giá của WHO, các quốc gia, các cộng đồng dân cư có sự phân tích, đánh giá cụ thể tình hình sức khỏe của quốc gia nói chung, các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu nói riêng, từ đó đưa ra giải pháp tác động cụ thể, hiệu quả. Cụ thể, quốc gia nào có tỉ lệ tử vong cao do bệnh lý về tim mạch thì ưu tiên can thiệp để giải quyết nguyên nhân đó trước. Ngược lại ở đâu có tỉ lệ tử vong do viêm phổi cao thì ưu tiên tác động giải quyết nhiễm khuẩn hô hấp…
Tại Phú Yên, mô hình bệnh tật ở địa phương cũng có những thay đổi, từ chỗ các bệnh nhiễm trùng chiếm tỉ lệ cao chuyển sang các bệnh lý không lây nhiễm tăng. Tai nạn thương tích vẫn chiếm tỉ lệ khá cao và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu…
Trong thời gian tới, bên cạnh các giải pháp nâng cao dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, hoạt động quản lý sức khỏe toàn dân, giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng, khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình và đặc biệt là quản lý sức khỏe từng bệnh nhân thống nhất (bệnh án điện tử)… sẽ giúp chúng ta giải quyết tốt các bệnh cho từng cá nhân, tình hình sức khỏe của từng cộng đồng và giảm tử vong do các bệnh lý gây ra.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên
Dựa theo The top causes of death (24 May 2018- WHO)