Nên nghĩ đến chứng điếc hoặc nghe kém nếu em bé dưới 1 tuổi của bạn không giật mình khi nghe tiếng vỗ tay to từ khoảng cách 1-2 mét, hoặc không có phản ứng gì trước tiếng nói của mọi người.
Nếu trẻ không thức dậy khi có tiếng động mạnh đột ngột, nên cho đi kiểm tra thính lực. Ảnh: Corbis. |
Điếc có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Theo tiến sĩ Trần Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, điếc ở trẻ em dưới 2 tuổi thường là bẩm sinh. Những nguyên nhân gây điếc và giảm thính lực khác là viêm tai, chịu tiếng ồn quá mức, tổn thương thần kinh thính giác, biến chứng của một số bệnh như viêm não, sốt virus...
Nếu bị nghe kém hoặc điếc, ở trẻ sẽ có một số dấu hiệu mà phụ huynh dễ nhận ra nếu để ý quan sát con:
Trẻ dưới 1 tuổi
- Không nhìn theo hoặc quay đầu về phía phát ra âm thanh.
- Không tỉnh giấc khi nghe tiếng ồn.
- Không phản ứng (giật mình, nhắm/mở mắt) khi nghe tiếng động lớn, đột ngột, có vẻ lắng nghe khi mẹ nói hay hát.
Từ 1 đến 1 tuổi rưỡi, nếu trẻ vẫn không biết tên mình, không phân biệt được các bộ phận, đồ vật khi được gợi ý hay chưa nói được một số từ đơn như "bà", "mẹ" thì đó là dấu hiệu đáng lo ngại.
Tuổi nhà trẻ, mẫu giáo
- Chậm biết nói, khó khăn trong phát triển ngôn ngữ; chẳng hạn trẻ đã 2 tuổi mà chưa biết nói câu đơn giản.
- Có vẻ không chú ý khi người khác nói, không làm theo các yêu cầu (như cầm lên vật gì đó) do không nghe, không hiểu. Thông thường, trẻ 2 tuổi phải biết làm theo những yêu cầu đơn giản mà không cần gợi ý bằng hình ảnh hay hành động.
- Phát triển mạnh ngôn ngữ nét mặt và điệu bộ, hoặc dễ cáu gắt, hung dữ (do khó giao tiếp, khó hiểu ý người khác và làm người khác hiểu mình).
Tuổi đi học
- Trẻ nói rất to, hay dùng ngôn ngữ cử chỉ, điệu bộ.
- Diễn đạt khó khăn, hay phát âm sai.
- Thiếu tập trung, hay lơ đễnh.
- Học kém, chậm tiếp thu, thiếu vâng lời. Một số trẻ ít nói, ngại giao tiếp hoặc cáu kỉnh.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ, cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để kiểm tra.
Theo VNE