Là cơ sở dịch vụ phức hợp, bệnh viện có rất nhiều nhóm dịch vụ xoay quanh hoạt động khám, chữa bệnh đầy áp lực. Mối quan hệ giữa người bệnh (khách hàng) với bệnh viện và giữa các đơn vị trong bệnh viện rất đa dạng, phức tạp so với các ngành dịch vụ khác. Chính vì vậy, việc quản lý chất lượng bệnh viện ngày càng được coi trọng và là hoạt động xuyên suốt của các bệnh viện.
Báo Phú Yên phỏng vấn TS-BS Ngô Viết Lộc, Phó Trưởng Bộ môn Tổ chức - Quản lý y tế, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng bệnh viện - Trường đại học Y Dược Huế xoay quanh vấn đề trên.
* Thưa tiến sĩ, làm thế nào để cải thiện chất lượng bệnh viện?
- Chúng ta phải đầu tư vào ba nguồn lực: nhân lực, vật lực và tài lực. Nhân lực đóng vai trò rất quan trọng. Bệnh viện phải có đủ bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng… để phục vụ việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Nhiều khi chúng ta tập trung vào điều trị mà chưa chú trọng đến việc chăm sóc bệnh nhân. Tùy theo từng tuyến mà nhân lực cần phải được đầu tư đủ trên tổng số giường bệnh. Chúng ta đã có Thông tư liên tịch 08/2007 của Bộ Nội vụ và Bộ Y tế hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước, Quyết định 2992 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển nhân lực trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2015-2020…
Thứ hai là chúng ta phải đầu tư vào vật lực: hạ tầng cơ sở, trang thiết bị, tùy theo tuyến, tùy theo ngành. Nghề y không thể “tay không bắt giặc” mà phải có trang thiết bị. Hạ tầng cơ sở, trang thiết bị y tế cần phải được đầu tư tùy theo tuyến, từ tuyến Trung ương cho đến tuyến xã. Chúng ta đã nói nhiều về sự quá tải của các bệnh viện tuyến tỉnh mà lại không đầu tư cho tuyến huyện. Từ ngày 1/1/2016 đã thông tuyến về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tuyến huyện, đến năm 2021 sẽ thông tuyến tỉnh thì như thế nào? Bây giờ chúng ta phải đầu tư đồng bộ, tùy theo chức năng nhiệm vụ, tùy theo chuyên môn kỹ thuật đã được phân tuyến.
* Về tài lực thì sao, thưa tiến sĩ?
- Các bệnh viện công đang dần tiến đến tự chủ về tài chính vào năm 2020. Khi tự chủ về tài chính, kinh phí của các cơ sở y tế nhà nước hầu như dựa vào hoạt động khám chữa bệnh; muốn có nguồn thu thì phải có bệnh nhân. Vậy thì giá dịch vụ y tế phải như thế nào cho hợp lý. Viện phí của các cơ sở y tế nhà nước được áp dụng từ năm 1995, đến năm 2015 mới cho phép điều chỉnh tăng đối với thanh toán bảo hiểm y tế. Khi tăng thì dư luận hỏi rằng có tăng y đức không, có tăng chất lượng khám chữa bệnh không? Trong chừng ấy năm, giá điện, nước, xăng dầu, gas… tăng bao nhiêu lần, người ta đều chấp nhận, riêng giá dịch vụ y tế tăng thì rất khó.
Về kinh phí, các cơ sở y tế tuyến huyện cần được hỗ trợ. Vì tuyến huyện hầu như không có dịch vụ điều trị theo yêu cầu, nguồn thu ít. Nên chăng có sự hỗ trợ về kinh phí cho tuyến huyện, để thu hút được bác sĩ về làm việc. Trên thực tế, các bác sĩ ngại về tuyến huyện, thứ nhất là việc làm không có nhiều, thứ hai là thu nhập chưa đảm bảo được cuộc sống.
Bên cạnh ba nguồn lực, chúng ta cần quan tâm đến thái độ phục vụ bệnh nhân, đừng nghĩ rằng vì thu nhập thấp, vì vấn đề này vấn đề kia mà chúng ta không có thái độ phục vụ tốt. Tôi luôn dạy học trò rằng đã chọn nghề này thì các em phải chấp nhận, phải có thái độ phục vụ tốt, bởi vì đây là một nghề đặc thù.
Đầu tư cả ba nguồn lực cộng với thái độ phục vụ tốt thì đương nhiên chất lượng bệnh viện sẽ được cải thiện. Có uy tín, có thương hiệu, bệnh viện sẽ thu hút bệnh nhân.
* Xin cảm ơn tiến sĩ!
Nhằm đánh giá, chứng nhận và cải tiến chất lượng cho toàn bộ các bệnh viện nhà nước và tư nhân, Bộ Y tế đã ban hành “Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam” bao gồm 83 tiêu chí chất lượng, với quan điểm chủ đạo: Lấy người bệnh là trung tâm của hoạt động điều trị và chăm sóc, nhân viên y tế là then chốt của toàn bộ hoạt động khám, chữa bệnh. Mục tiêu chung của bộ tiêu chí là khuyến khích, định hướng và thúc đẩy các bệnh viện tiến hành các hoạt động cải tiến và nâng cao chất lượng nhằm cung ứng dịch vụ y tế an toàn, chất lượng, hiệu quả và đem lại sự hài lòng cho người bệnh, người dân và nhân viên y tế, đồng thời phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước. |
YÊN LAN (thực hiện)