Thứ Hai, 25/11/2024 09:33 SA
Lạm dụng kháng sinh: Hậu quả tai hại, lâu dài
Thứ Năm, 14/06/2018 11:00 SA

Việc sử dụng kháng sinh nhất thiết phải có ý kiến của thầy thuốc. Trong ảnh: Cán bộ y tế khám cho bệnh nhân tại Trạm Y tế phường 4, TP Tuy Hòa - Ảnh: YÊN LAN

Được sử dụng từ thập niên 1940 cho đến nay, kháng sinh là vũ khí hữu hiệu chống lại các bệnh nhiễm khuẩn như tả, lỵ, thương hàn, uốn ván…, hạ thấp tỉ lệ tử vong trong hầu hết các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, cũng vì tác dụng quan trọng đó mà kháng sinh được sử dụng tràn lan, dẫn đến những hậu quả tai hại, lâu dài.

 

Dùng kháng sinh như… ăn kẹo

 

Khi trẻ ho, sổ mũi…, không ít ông bố bà mẹ chọn cách đơn giản: đến tiệm thuốc tây mua thuốc về cho con uống. Dù trẻ ho do vi khuẩn hay vi rút, trong số thuốc mua về bao giờ cũng có kháng sinh. Một số người còn dặn “bán thuốc mạnh mạnh cho nhanh hết bệnh”. Đây là chuyện thường ngày ở các tiệm thuốc.

 

Theo y sĩ Phan Bảo Minh (Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa), việc người dân tự mua kháng sinh và tâm lý dùng kháng sinh liều cao để mau khỏi bệnh là hết sức sai lầm. Việc sử dụng kháng sinh phải theo chỉ định của thầy thuốc; đặc biệt với trẻ em, dùng kháng sinh phải theo cân nặng của trẻ và không dùng những loại kháng sinh thế hệ mới, liều cao để tránh nguy cơ “lờn thuốc”.

 

“Ai cũng muốn nhanh hết bệnh, tuy nhiên người dân phải thay đổi nhận thức, phải biết rằng dùng kháng sinh liều cao thì sẽ có những tác hại khôn lường”, Trưởng Trạm Y tế phường 4 (TP Tuy Hòa) Nguyễn Đức Vũ nói.

 

Ngoài số người tự đi mua thuốc, có những người đến cơ sở y tế khám bệnh nhưng lại không uống thuốc theo đúng liệu trình. Bác sĩ kê đơn thuốc (có kháng sinh) sử dụng trong một tuần, bệnh nhân mới uống được ba ngày, thấy hết các triệu chứng thì bỏ thuốc, vì “uống nhiều sẽ nóng”. Đây cũng là thói quen hết sức tai hại.

 

Kháng sinh - con dao hai lưỡi và không trị bá bệnh

 

Được sử dụng từ thập niên 1940 cho đến nay, kháng sinh là vũ khí hữu hiệu chống lại các bệnh nhiễm khuẩn như tả, lỵ, thương hàn, uốn ván…, hạ thấp tỉ lệ tử vong trong hầu hết các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, cũng vì những tác dụng quan trọng đó mà kháng sinh ngày càng bị lạm dụng. Việc sử dụng kháng sinh không có ý kiến của thầy thuốc; thầy thuốc sử dụng kháng sinh khi chẩn đoán chưa rõ ràng, liều dùng và liệu trình kháng sinh chưa đủ hoặc vượt quá quy định… đã dẫn đến những hậu quả xấu.

 

Theo PGS-TS Trần Đình Bình, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn - Bệnh viện Đại học Y Dược Huế, Chủ nhiệm bộ môn Vi sinh, Giám đốc Trung tâm Gamma - Trường đại học Y Dược Huế, có hai nguyên nhân chính gây ra tình trạng lạm dụng kháng sinh, từ phía bệnh nhân và từ thầy thuốc. Nhiều người bệnh tưởng rằng kháng sinh chữa được mọi thứ bệnh, nên hễ bị bệnh là dùng kháng sinh, nhất là khi việc mua bán kháng sinh ở nước ta rất dễ dàng. Khuynh hướng tự mua thuốc, “tự làm bác sĩ” ngày càng phổ biến. Đó là lý do kháng sinh dễ bị lạm dụng. Bên cạnh đó, nhiều người đến gặp thầy thuốc để được khám bệnh, uống và sử dụng thuốc theo đơn nhưng không dùng thuốc đúng cách, nghĩa là không uống đủ số lượng phân chia trong 24 giờ hoặc chỉ uống thuốc trong vài ngày rồi bỏ.

 

Về phía thầy thuốc, có những người rất “dễ dãi” trong việc sử dụng kháng sinh. “Tuy biết rằng không có chỉ định nhưng có bác sĩ vẫn viết đơn thuốc có kháng sinh vì chẩn đoán không rõ ràng, vì thiếu phương tiện chẩn đoán vi sinh học nên dùng kháng sinh, nhất là loại có kháng sinh phổ rộng để điều trị bao vây, hoặc ghi đơn theo yêu cầu của bệnh nhân để chiều lòng thân chủ”, PGS-TS Trần Đình Bình cho biết.

 

Trong cuốn sách Thuốc kháng sinh những vấn đề thực tiễn (NXB Đại học Huế, năm 2016) của PGS-TS Trần Đình Bình, ông đã chỉ ra 5 hậu quả từ việc lạm dụng kháng sinh. Trước tiên là gây lãng phí. Nhiều bệnh nhiễm khuẩn do vi rút không cần điều trị bằng kháng sinh, nếu dùng kháng sinh không có tác dụng thì gây lãng phí. “Nhiều thầy thuốc vẫn giải thích rằng dùng kháng sinh trong trường hợp này nhằm đề phòng bội nhiễm vi khuẩn, nhưng cách giải thích đó là một kiểu ngụy biện”, PGS-TS Trần Đình Bình khẳng định.

 

Ngoài việc gây lãng phí, sử dụng kháng sinh không đúng chỉ định còn không chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân. Không những thế, theo phó giáo sư này, việc sử dụng kháng sinh sớm và không đúng chỉ định có khi gây khó khăn cho chẩn đoán bệnh, ví dụ bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp mà dùng kháng sinh làm lu mờ các triệu chứng của bệnh gây trở ngại cho chẩn đoán bệnh, làm sai lạc chẩn đoán…, càng xử trí bệnh chậm thì càng có hại.

 

Đáng nói hơn, việc sử dụng kháng sinh khi không cần thiết hoặc không đúng chỉ định có khi dễ gây phản ứng dị ứng, mẫn cảm, có khi bị phản ứng phản vệ nguy hiểm, có thể chết người. “Nhiều loại kháng sinh còn có tác dụng phụ nguy hiểm nếu sử dụng liều cao hoặc kéo dài, có khả năng gây suy tủy, như sử dụng Chloramphenicol ở trẻ em… Một số kháng sinh như Streptomycine, Kananycin dùng liều cao hoặc kéo dài có thể gây điếc và suy thận… Mặt khác, lạm dụng kháng sinh dễ làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, do đó làm giảm tác dụng chữa bệnh của thuốc, là hậu quả tai hại, rộng lớn và lâu dài cho toàn xã hội”, PGS-TS Trần Đình Bình cho biết.

 

Kháng sinh có đóng góp to lớn vào việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nhưng nó không phải là thuốc trị bá bệnh. Nếu tiếp tục được sử dụng tràn lan, kháng sinh như con dao hai lưỡi, gây nên những hậu quả tai hại, lâu dài.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek