Nếu học sinh không biết bảo vệ sức khỏe trong quá trình học nói chung, mùa thi nói riêng, đôi lúc gặp sự cố hay ức chế sẽ dẫn đến kết quả thi không như mong muốn. Vậy làm thế nào để các em có trạng thái tinh thần, thể chất tốt nhất khi bước vào mùa thi?
Tâm lý thoải mái là yếu tố hết sức quan trọng. Khoa học đã chứng minh tâm lý người điều khiển tất cả các hoạt động sống, từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ cảm giác, tri giác, trí nhớ, năng lực, niềm tin đến hành động. Về sinh lý học, trong trạng thái tâm lý thoải mái nhất, các cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể hoạt động với công năng cao nhất, hiệu quả nhất do tim tăng cường co bóp và tế bào được tưới máu tốt hơn; hệ hô hấp tăng hoạt động, nhờ đó tế bào được cung cấp đầy đủ oxy hơn; các hoóc môn điều tiết các hoạt động được tiết ra nhiều hơn, điều hòa hoạt động của hệ thần kinh, nội tiết.
Gần đây, các công trình nghiên cứu cho thấy tâm lý thoải mái làm cơ thể tiết ra hoóc môn endorphin (hóc môn nội sinh). Endorphin có 4 tác dụng hết sức quan trọng đó là giảm đau, giảm lo âu phiền muộn, chống lại quá trình oxy hóa khử trong tế bào và cuối cùng là kích thích hệ thống miễn dịch trong cơ thể hoạt động.
Vậy làm gì để các em ổn định tâm lý - điều này cần có sự hỗ trợ của các bậc cha mẹ. Trước hết, học sinh phải hiểu rằng thi cử là chuyện bình thường, là công việc hàng ngày, hôm nay làm không tốt thì ngày mai làm tốt hơn, thậm chí năm nay làm không được thì sang năm làm lại. Không học đại học thì học cao đẳng, miễn sao mình được học, được làm điều mình thích, khi thích thì mình sẽ làm hay, làm giỏi.
Nhiều danh nhân, nhiều nhà sáng kiến miệt mài tìm tòi học hỏi mà không cần bằng cấp, đã tạo ra những máy móc, công cụ làm cho nhiều người kính nể. Phụ huynh không nên tạo gánh nặng tâm lý cho con em mình, đừng bắt con phải đạt thế này thế nọ, con phải vào được trường đại học này hay trường đại học khác… Thay vào đó, hãy động viên, khích lệ con em mình.
Giữ nếp sinh hoạt như bình thường là yếu tố quan trọng. Sắp đến mùa thi, nhiều học sinh thức thật khuya, nhồi nhét kiến thức thật nhiều. Làm như vậy là phản khoa học, bởi vì khả năng thu nhận kiến thức hay ghi nhớ của não bộ có chừng mực và cần có thời gian để tư duy, ghi nhớ, tái hiện. Vì vậy, trong những ngày ôn thi, lịch học tập, nghỉ ngơi cũng như ngày thường, có chăng cần tư duy những ý chính, những điểm cốt lõi và xem lại những gì mà trước đây mình không hiểu, thảo luận với bạn bè những điều mình còn thắc mắc. Không ôm đồm quá nhiều kiến thức trong một ngày vì như thế sẽ bị “bội thực” và sẽ gây rối loạn cho hệ thần kinh.
Ăn uống đủ chất là điều hết sức cơ bản. Các cơ quan, hệ cơ quan khi hoạt động cần được cung cấp đủ năng lượng, dinh dưỡng. Do trong mùa thi các em học nhiều hơn nên phải tăng nhu cầu dinh dưỡng, các bữa ăn phải cân đối nhu cầu năng lượng, protein, lipide, khoáng chất và vitamin.
Phải ngủ đủ giấc, vì giấc ngủ giúp cho các cơ quan trong cơ thể hồi phục để sau đó tiếp tục một quá trình mới lặp đi lặp lại. Sau giấc ngủ đủ, ngủ sâu, các giác quan trong cơ thể sẽ hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, sáng suốt hơn, suy nghĩ chính xác hơn… Vì vậy để thi cử tốt, học sinh cần phải ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, trong đó 7 tiếng ban đêm và 1 tiếng ban ngày. Các em cần chia thời gian trong ngày và thực hiện theo lịch để đạt được kết quả cao trong học tập và thi cử.
Trong những ngày gần thi không nên ăn vặt, tránh ăn uống những chất chua cay, kích thích dễ gây rối loạn tiêu hóa cũng như dễ làm mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong những ngày thi phải luôn luôn ăn uống đúng bữa, không vì lo lắng mà bỏ bữa hay ăn qua loa vừa không đảm bảo sức khỏe, vừa có nguy cơ ảnh hưởng đến dạ dày hay tiêu chảy. Bên cạnh đó phải đảm bảo an toàn giao thông, thực thi đúng luật khi tham gia giao thông.
TTƯT-BSCK1 NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên