Thứ Tư, 09/10/2024 01:22 SA
10 lưu ý bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng
Thứ Ba, 05/06/2018 13:14 CH

Ảnh minh họa: Internet

Nắng nóng là những yếu tố sinh thái hữu hạn đối với sinh vật nói chung, con người nói riêng, nếu chúng ta không lưu ý bảo vệ sức khỏe khi trời nắng nóng sẽ dẫn đến một loạt biến đổi trong cơ thể và có khi nguy hiểm đến tính mạng

 

Khi trời nắng nóng, nhiệt độ của môi trường tăng cao, đòi hỏi cơ thể phải điều tiết để thích nghi và duy trì sự chuyển hóa trong cơ thể, ở một điều kiện nào đó cơ thể thích nghi được; ngược lại vượt quá khả năng thích nghi của cơ thể sẽ dẫn đến hàng loạt biến đổi từ thân nhiệt đến bài tiết làm cho cơ thể rơi vào trạng thái nhiễm độc và có thể tử vong. Vì vậy, bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng có ý nghĩ rất lớn để đảm bảo sức khỏe, lao động, sinh hoạt bình thường và chất lượng sống được đảm bảo. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đưa ra một số lưu ý bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Các lưu ý chỉ tập trung vào các lĩnh vực ăn uống, sinh hoạt, lao động và nghỉ ngơi hợp lý: Cụ thể như sau:

 

1. Uống đủ nước

 

Nước đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự sống của con người, bình thường lượng nước uống hàng ngày phải đảm bảo cho chuyển hóa chất, đào thải chất độc trong quá trình chuyển hóa của cơ thể ra bên ngoài và nước đóng vai trò quan trọng trong duy trì thân nhiệt. Bình thường ở người trưởng thành mỗi ngày mỗi người uống từ 1,5-2l nước, nếu lao động nặng hoặc làm việc trong điều kiện nắng nóng thì nhu cầu nước phải nhiều hơn (do mất nước qua mồ hôi). Cần lưu ý cho trẻ uống đủ nước, nhất là trẻ nhỏ chưa biết nói, các bậc phụ huynh cần chú ý cử động của trẻ nếu thấy trẻ nhìn thấy nước là biểu hiện đòi, hay nhìn thấy nước là có cảm giác háo hức.

 

Nước uống phải tuyệt đối đảm bảo vệ sinh vì mùa nắng nóng nhiều tác nhân gây bệnh phát triển mạnh, nhiều côn trùng trung gian truyền bệnh có thể lây bệnh cho người qua môi trường nước. Tốt nhất sử dụng nước đun sôi để nguội, dụng cụ chứa nước uống phải có nắp đậy kỹ, nếu sử dụng nước đóng chai cần kiểm tra hạn sử dụng và chất lượng nước trong chai…

 

Nên bổ sung nước trái cây để vừa bổ sung nước, vừa cung cấp thêm các vitamin, không nên sử dụng nhiều nước uống có ga. Đặc biệt cần lưu ý không uống nhiều nước đá vì dễ gây rối loạn tiêu hóa hay bị viêm họng do sử dụng nước đá quá nhiều.

 

2. Ăn đủ chất

 

Thời tiết nắng nóng làm mất nước nên thường có cảm giác mệt mỏi, chán ăn. Vì vậy khi trời nắng nóng nên có chế độ ăn vừa đủ về lượng, vừa giàu dinh dưỡng, nên chế biến các món ăn lỏng dễ tiêu hóa, tránh các món ăn chiên xào vì nhiều dầu mỡ không tốt cho sức khỏe. Nên ăn nhiều bữa trong ngày, thức ăn mềm, nhiều rau xanh và cố gắng hạn chế lượng muối trong các bữa ăn.

 

3. Ngủ đủ giấc

 

Giấc ngủ cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe, bình thường để đảm bảo sức khỏe, mỗi ngày mỗi người phải ngủ đủ 8 tiếng, trẻ nhỏ ngủ nhiều hơn, nên đảm bảo ngủ 7 tiếng ban đêm và 1 tiếng ban ngày. Khi ngủ không để quạt trực tiếp vào vùng mặt, ngực vì rất dễ bị cảm lạnh hay viêm hô hấp. Đặc biệt nhiều người sử dụng máy điều hòa cần để nhiệt độ vừa phải, tốt nhất là 27-28oC, nếu để nhiệt độ quá thấp dễ bị cảm và nghẹt mũi do không khí lạnh làm se niêm mạc mũi dẫn đến nghẹt mũi.

 

4. Không thức khuya

 

Giấc ngủ giúp cho quá trình hồi phục của cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể, ngoài ra khi ngủ quá trình tổng hợp protein của cơ thể diễn ra tốt hơn. Cơ thể sinh vật nói chung, cơ thể người nói riêng, các cơ quan hoạt động theo nhịp sinh học của nó. Giấc ngủ sâu là giấc ngủ tốt nhất, thông thường ban đêm khoảng 11, 12 giờ và 3-5 giờ sáng là giấc ngủ sâu nhất. Vì vậy tốt nhất là không nên ngủ muộn sau 10, 11 giờ, đặc biệt là các em học sinh không học bài quá khuya sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ và từ đó ảnh hưởng đến lao động, học tập của ngày hôm sau.

 

5. Không dậy quá sớm

 

Không nên dậy quá sớm lúc 3, 4 giờ sáng, vừa không đảm bảo được thời gian ngủ, đồng thời đây là giấc ngủ sâu nhất, vì vậy không nên dậy sớm, tốt nhất dậy 5, 6 giờ sáng và tập thể dục khoảng 30 phút sẽ làm cho người sảng khoái hơn, làm việc tốt hơn. Hơn nữa, dậy quá sớm rất dễ bị lạnh đột ngột, nhất là những người già, những người có bệnh tim mạch mãn tính.

 

6. Mặc thoáng mát

 

Vào mùa nắng nóng cần mặc áo quần vừa đảm bảo che nắng, vừa đảm bảo dễ thoát nhiệt, nên sử dụng các đồ cotton và mặc áo quần dài tay, đeo găng, che mặt nếu đi ngoài trời. Ở trong nhà nên mặc đồ rộng, thoáng, vừa dễ sinh hoạt, vừa dễ thoát mồ hôi, không nên ở trần, nhiều người có thói quen ở trần khi ngủ, nhất là vào mùa nắng nóng, rất dễ bị cảm lạnh, từ đó dẫn đến viêm hô hấp trên, viêm phổi…

 

7. Lao động hợp lý

 

Vào mùa nắng nóng nên hạn chế ra ngoài trời, nếu phải ra ngoài trời hay lao động ngoài trời cần đem đủ nước, phải mặc kín che thân thể, đội nón mũ rộng vành, đảm bảo che vùng gáy. Nếu làm việc ngoài trời nắng nóng thì cứ 45-60 phút nên vào vùng râm mát nghỉ 15-20 phút để tránh say nắng, say nóng.

 

8. Tránh lạm dụng bia rượu

 

Bia rượu, nhất là rượu khi uống nhiều sẽ dẫn đến rối loạn thần kinh trung ương làm người uống mất kiểm soát, trời nắng nóng càng làm cho mức độ mất kiểm soát nặng nề hơn nên dễ dẫn đến các hành vi nguy hiểm.

 

9. Phòng ngừa đuối nước

 

Mùa nắng nóng nên mọi người thường đi đến các sông suối, ao hồ, biển để tắm vì vậy tai nạn đuối nước cũng nhiều hơn so với các mùa khác. Mỗi người khi đi tắm cần tuân thủ các nguyên tắc an toàn, mặc áo phao, đi nhiều người để có thể hỗ trợ cho nhau lúc cần thiết. Tuyệt đối không cho trẻ nhỏ tắm sông, suối, ao hồ và bơi biển nếu không có người lớn đi kèm. Tại các điểm vui chơi du lịch bãi tắm cần có biển báo nguy hiểm ở những nơi nguy hiểm, cử người trực cứu nạn cứu hộ để hỗ trợ khi cần.

 

10. Phòng chống cháy nổ

 

Mùa nắng nóng nguy cơ cháy nổ rất cao nên mỗi người, mỗi gia đình nhất là những nơi có nguy cơ cháy nổ cao như chợ, nhà máy xí nghiệp sản xuất sản phẩm dễ cháy nổ cần có phương án phòng chống cháy nổ cụ thể. Kiểm tra thiết bị điện, chuẩn bị dụng cụ phòng cháy, chữa cháy, trong gia đình cần chú ý đường thoát thuận tiện nếu có sự cố xảy ra.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek