Mùa hè thời tiết thường trở nên nóng bức, nhiệt độ môi trường tăng nhanh là điều kiện cho các loại vi rút, vi trùng sinh sôi phát triển, trẻ lại có khuynh hướng nằm ngủ với quạt, máy lạnh, uống nước thật lạnh, do đó dễ mắc bệnh.
Một số bệnh thường gặp ở trẻ trong mùa nắng nóng
1. Tiêu chảy cấp
Tiêu chảy là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ vì do cơ thể mất nước và điện giải. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của trẻ. Trẻ được gọi là tiêu chảy khi đi ngoài phân lỏng hay đi cầu phân tóe nước trên 3 lần trong một ngày. Các tác nhân thường gây tiêu chảy trong mùa nóng là Rotavirus, E.Coli,…
2. Sốt phát ban
Trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục, 39-400C, biếng ăn, nằm li bì, có khi co giật do sốt trong những ngày đầu tiên. Khi bớt sốt, trên người trẻ nổi những hồng ban lan dần từ đầu mặt đến bụng, rồi chân tay.
3. Viêm hô hấp cấp
Ho, sổ mũi là triệu chứng chủ yếu thường gặp, lúc đầu trẻ bị ho khan, ho từng cơn và thường ho vào ban đêm, sau đó có sốt nhẹ. Bệnh viêm hô hấp cấp là bệnh nhẹ nhưng hay mắc phải, đa số bệnh khỏi sau một tuần bệnh có thể tái phát và có biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa.
4. Viêm não siêu vi
Là một tình trạng viêm cấp tính ở não và tủy sống do nhiều loại siêu vi gây ra. Người bị nhiễm có thể không có triệu chứng. Ở thể nhẹ - trung bình, trẻ thường có biểu hiện sốt, đau đầu, buồn ói; trong trường hợp nặng trẻ có thể bị hôn mê và yếu liệt.
Biện pháp phòng bệnh
- Thường xuyên hướng dẫn cho trẻ rửa tay đúng cách.
- Tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm như ăn chín, uống sôi, không để thực phẩm bên ngoài quá lâu vì thời tiết nóng dễ gây ôi thiu đồ ăn.
- Cho trẻ uống nước nhiều
- Không sử dụng quạt hay máy lạnh quá lạnh, tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột.
- Tránh uống hay ăn đồ quá lạnh.
- Hạn chế cho trẻ đến chỗ nắng nóng nhiều và chỗ đông người.
- Cho trẻ đeo khẩu trang khi đi ra đường.
- Cho trẻ bú sữa mẹ vì trong sữa mẹ có rất nhiều kháng thể giúp bảo vệ trẻ.
- Cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm từ 6 tháng tuổi, nhằm cung cấp đầy đủ những dưỡng chất và vitamin cần thiết cho sự phát triển của trẻ, thúc đẩy hệ miễn dịch của cơ thể.
- Chích ngừa đầy đủ các bệnh như sởi - quai bị - rubella, cúm, viêm não Nhật Bản.
- Cho trẻ mặc đồ thoáng mát, nếu da trẻ bị khô thì nên bôi những loại kem giữ ẩm cho bé vào buổi tối.
- Tắm rửa cho trẻ mỗi ngày. Không tắm khi trẻ đang đổ mồ hôi nhiều.
- Khi bé hắt hơi sổ mũi thì nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, xoa lưng và tay chân trẻ bằng ít dầu khuynh diệp để kích thích máu huyết lưu thông, tăng cường miễn dịch.
- Không nên tự ý dùng thuốc, nhất là thuốc kháng sinh.
- Lập tức đưa trẻ vào bệnh viện ngay nếu trẻ có những dấu hiệu sau: sốt cao dọa co giật; khò khè, khó thở; li bì; nôn ói tất cả kể cả nước, trẻ tiêu chảy nhiều không cầm.
(Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP Hồ Chí Minh)