“Mục đích tầm soát là để cho các bé, ít nhất một lần trong đời, được khám để phát hiện bệnh tim bẩm sinh. Nhiều người 30, 40 tuổi rồi mà chưa được khám tầm soát tim lần nào. Sau khi phát hiện bệnh, chúng tôi sẽ tư vấn cho bệnh nhân biết bệnh của họ có nguy hiểm không, hướng điều trị sắp tới như thế nào…”, PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, nói về hoạt động khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh và bệnh tim mắc phải, tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.
Vào ngày nghỉ nhưng Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đông nghịt người, bởi bà con nghèo hay tin đoàn bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở LĐ-TB-XH và Bệnh viện Đa khoa Phú Yên “khám bệnh tim miễn phí”. Bà Trần Thị Kim Cúc, 64 tuổi, ở thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) kể: “Tôi bị hở van tim, đã đi khám và chữa tại một bệnh viện trong Sài Gòn cách đây mấy năm. Sau này, do không có tiền nên tôi không đi tái khám nữa mà đến trạm y tế nhận thuốc về uống.
Nghe tin có đoàn bác sĩ ở Sài Gòn ra Phú Yên khám bệnh tim nên tôi tới đây từ sớm để được khám lại”. Bà Lê Thị Tưởng, 74 tuổi, ở thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) cho biết: “Tôi bị bệnh tim, hồi trước đã đi khám tại Viện Tim TP Hồ Chí Minh. Sau đó, tôi bị ung bướu đang điều trị. Không có tiền nên từ năm ngoái tới giờ, tôi không đi khám tim lại”. Bà Tưởng đi từ 6 giờ sáng, cứ nghĩ mình đến sớm nhưng hóa ra có nhiều người đến sớm hơn bà!
Bên cạnh trẻ em và những người lớn mắc bệnh tim hoặc nghi mình bị bệnh tim, cũng có nhiều người nhầm tưởng các thầy thuốc ở Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đến Phú Yên khám, chữa bệnh miễn phí nên đến khá đông, làm cho Khoa Khám bệnh “vỡ trận”. Khi biết rằng các bác sĩ khám sàng lọc bệnh tim và… không phát thuốc, một vài người bực dọc, phản ứng.
“Chúng tôi khám sàng lọc để phát hiện bệnh tim và tư vấn cho bệnh nhân biết bệnh của họ có nguy hiểm không, hướng điều trị sắp tới như thế nào. Nếu bệnh nhân thuộc diện được hỗ trợ thì chúng tôi sẽ tìm nguồn hỗ trợ. Bệnh nhân từ 17 tuổi trở xuống, có hoàn cảnh khó khăn thì hầu như hỗ trợ được. Còn đối với người lớn, tùy theo hoàn cảnh cụ thể của từng bệnh nhân, chúng tôi sẽ cố gắng vận động các nhà hảo tâm, tuy nhiên kết quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa”, PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Định cho biết.
Cũng theo PGS Nguyễn Hoàng Định, đối với bệnh lý tim mạch, một khi cho bệnh nhân dùng thuốc thì phải theo dõi. Cho thuốc xong, vài ngày sau hoặc lâu nhất là một tuần sau, bác sĩ phải khám lại để chỉnh liều thuốc. “Đi khám sàng lọc, chúng tôi không thể cho thuốc vì không theo dõi việc điều trị được”, PGS Định nói.
Hầu hết những người đi khám tầm soát tim đến từ các vùng quê, áo quần lam lũ. Một phụ nữ có gương mặt khắc khổ, già hơn rất nhiều so với tuổi 38 của chị.
Đó là chị Võ Thị Thu Sang, đến từ thôn Phú Hội, xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân). Đôi môi tím tái và cái bụng căng lên dù không phải mang bầu cho thấy sức khỏe của chị rất đáng lo ngại. Sau khi khám và xem hồ sơ bệnh, PGS Nguyễn Hoàng Định nhỏ nhẹ: “Bệnh của chị nặng đó, cần phải phẫu thuật…”.
Nước mắt của chị Sang tràn ra. Chị không có tiền! Nếu có thì mấy năm trước, sau khi đến Viện Tim TP Hồ Chí Minh khám, chị đã mổ rồi. Còn nhớ lúc đó bác sĩ nói chi phí phẫu thuật khoảng 80 triệu đồng; gia đình không thể nào có được số tiền đó, chị đành quay về, hàng tháng gửi đơn thuốc vào Tuy Hòa, mua uống lây lất.
Giờ đã được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế nhưng chị Sang cũng không dám nghĩ đến chuyện mổ tim, bởi hoàn cảnh quá khó khăn. Hai vợ chồng chỉ có đám ruộng ăn nước trời, thu hoạch một mùa chưa tới 20 bao lúa đắp đổi cơm áo, nuôi hai đứa con ăn học. Chị đau bệnh liên miên, chồng sau những ngày cắm mặt trên đồng thì đi làm thuê làm mướn kiếm tiền trang trải, lấy đâu ra số tiền lớn để giữ lại sinh mạng của chính mình?
PGS Nguyễn Hoàng Định cho biết, chị Sang bị hẹp, hở van tim, nếu phẫu thuật cách đây chừng 5 năm thì ổn rồi. Giờ đã chuyển sang suy tim, suy gan, suy thận, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác. Ca này phẫu thuật thì nguy cơ cũng rất cao, nhưng nếu không mổ có lẽ bệnh nhân chỉ sống được một thời gian ngắn nữa.
“Bệnh tim bẩm sinh chiếm tỉ lệ khá cao, cứ 1.000 bé ra đời thì có 8 bé mắc bệnh này. Mục đích khám tầm soát là để cho các bé, ít nhất một lần trong đời, được khám để phát hiện bệnh tim bẩm sinh. Nhiều người 30, 40 tuổi rồi mà chưa hề được khám tầm soát tim lần nào. Bên cạnh đó còn có những người mắc bệnh mạch vành, bệnh van tim…; có người biết mình mắc bệnh từ lâu nhưng vì chi phí phẫu thuật tim rất lớn và họ không có tiền nên chỉ có thể uống thuốc để cầm cự”, PGS Định nói.
Với những bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế, chi phí bình quân một ca phẫu thuật tim khoảng 70, 80 triệu đồng. Còn với những trường hợp nặng như chị Sang, chi phí lên đến 100-120 triệu đồng, tỉ lệ thành công khoảng 60-70%. Và việc vận động các nhà hảo tâm tài trợ mổ tim cho người lớn thường khó khăn rất nhiều so với việc vận động tài trợ mổ tim cho trẻ em. Tuy nhiên vẫn có những nhà hảo tâm muốn mang đến cơ hội sống cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các bác sĩ đến từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh sẽ cố gắng kết nối để những bệnh nhân nghèo có cơ hội sống.
Kết thúc ngày làm việc 14/4, đoàn thầy thuốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã khám sàng lọc 156 ca, chỉ định phẫu thuật 20 ca, trong đó có 14 trẻ em, 6 người lớn (3 người mắc bệnh tim bẩm sinh), chỉ định can thiệp 5 ca (4 ca trẻ em, 1 trường hợp là người lớn mắc bệnh tim bẩm sinh), chỉ định chụp mạch vành 8 ca. Các bệnh thường gặp trong đợt khám sàng lọc này là: tứ chứng Fallot (bệnh tim bẩm sinh khá phổ biến ở Việt Nam, gồm 4 khiếm khuyết trong tim: thông liên thất, hẹp phễu động mạch phổi, phì đại thất phải, động mạch chủ nằm trên vách liên thất), thông liên nhĩ, còn ống động mạch, hẹp hở van tim… |
YÊN LAN