Sau khi dịch cúm Tây Ban Nha cướp đi sinh mạng của 50 triệu người cách đây một thế kỷ, giờ đây nhân loại tiếp tục đối mặt với làn sóng dịch bệnh nguy hiểm mới như Ebola, Zika và Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp tính (SARS).
Với một thế giới toàn cầu hóa như ngày nay, các dịch bệnh như vậy là không thể tránh khỏi. Đây là lời cảnh báo của các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ.
Phát biểu tại cuộc thảo luận với tựa đề: "Liệu chúng ta đã sẵn sàng cho dịch bệnh tiếp theo?" trong khuôn khổ WEF, Tổng Thư ký Liên đoàn Quốc tế Hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ, Elhadj As Sy, nhấn mạnh các dịch bệnh đang trở thành mối đe dọa loài người thực sự. Trong khi đó, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Sylvie Briand nhấn mạnh nhân loại hiện chưa có cách thức nào để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh này.
Năm nay đánh dấu đúng 100 năm kể từ dịch bệnh tồi tệ nhất trong lịch sử mang tên cúm Tây Ban Nha, một dịch bệnh mà các chuyên gia khẳng định là "du nhập" vào châu Âu qua các binh sĩ trở về từ Mỹ sau khi tham chiến trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Chỉ riêng Ấn Độ đã mất đi 5% dân số do dịch bệnh này trong năm 1918, thời điểm duy nhất trong lịch sử dân số nước này giảm.
Dù một thế kỷ đã trôi qua, song nguy cơ về virus cúm mới vẫn là điều mà các chuyên gia lo ngại nhất. Cúm là loại virus có thể dễ dàng lây lan qua đường hô hấp và người bình thường có thể bị nhiễm trước khi có triệu chứng biểu hiện. Do đó, điều này là rất khó kiểm soát. Cúm có rất nhiều chủng virus và chúng có thể kết hợp với nhau hoặc liên kết với các virus từ gia cầm hoặc lợn để tạo ra chủng virus chết chóc mới.
Bất chấp sự phát triển của các loại thuốc chống virus, kháng sinh và các loại vắcxin đầu tiên, hai dịch cúm bùng phát sau cúm Tây Ban Nha vào năm 1957 và 1968 đã khiến hàng triệu người tử vong. Các dịch bệnh gần đây cũng gióng lên hồi chương cảnh báo rằng thế giới vẫn dễ bị tổn thương trước các dịch bệnh.
Năm 2003, dịch SARS đã khiến 700 người thiệt mạng. Trong ba năm vừa qua, dịch Ebola đã bùng phát tại Tây Phi, Zika đã xảy ra tại Nam Mỹ và gần đây nhất là dịch hạch tại Madagascar vào năm ngoái.
Các chuyên gia hiện vẫn đang phải giải quyết hậu quả từ dịch Ebola, căn bệnh do muỗi truyền nhiễm và gây di tật cho trẻ sơ sinh. Theo các chuyên gia, con người dễ bị tổn thương trước dịch bệnh do có sự kết nối và việc di chuyển đã trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn trước rất nhiều. Chính điều này đã tạo điều kiện cho virus lây lan.
Bên cạnh đó, tác động kinh tế từ dịch bệnh cũng được các chuyên gia lưu ý. Năm 2015, hàng trăm trường hợp nhiễm Hội chứng Hô hấp vùng Trung Đông (MERS) đã khiến Hàn Quốc mất tới 10 tỉ USD.
Tháng 2/2017, nhà sáng lập Microsoft, tỉ phú Bill Gates ước tính công tác chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh toàn cầu sẽ cần tới 3,4 tỉ USD/năm. Nếu như không chuẩn bị đầy đủ, thiệt hại sẽ còn lên tới 570 tỉ USD. Tỉ phú Gates là một trong những người đóng góp cho tổ chức Liên minh Các sáng kiến ứng phó dịch bệnh (CEPI) với ngân quỹ vào khoảng 700 triệu USD.
CEPI đang phát triển thuốc điều trị các virus MERS, sốt Lassa, Nipah tại Malaysia và Bangladesh. Trong khi đó, WHO đang nỗ lực chuẩn bị ứng phó dịch bệnh, với hy vọng giảm thiểu thiệt hại tối đa khi nó bùng phát. Tuy nhiên, việc phát triển vắc xin phòng virus mới là nguy hiểm và có thể mất tới sáu tháng. Chi phí nghiên cứu và phát triển vắcxin mới là 200 triệu USD và đây không phải là động lực cho các phòng thí nghiệm dược phẩm nghiên cứu.
Chuyên gia cảnh báo sẽ không có thị trường thương mại cho các sản phẩm này cho đến khi dịch bệnh bùng phát và lúc đó đã quá muộn.
Theo Vietnam+