Chế độ ăn uống không lành mạnh là một trong những yếu tố nguy cơ cao cho các bệnh như rối loạn chuyển hóa, tăng lipide máu, cao huyết áp, các bệnh lý về thận, tim mạch… Vì vậy, điều chỉnh chế độ ăn chính là góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, nhất là cao huyết áp.
Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành mạch do sức bóp của cơ tim đẩy một lượng máu vào hệ thống mạch máu. Áp lực này tùy thuộc vào các yếu tố như sức bóp của cơ tim, sự giãn nở của thành mạch máu, lượng máu được tống vào lòng mạch trong mỗi lần bóp, tốc độ vận chuyển của dòng máu và sức cản của lòng mạch máu. Do đó, bất kỳ một yếu tố nào trong các yếu tố kể trên có biểu hiện bất thường đều có ảnh hưởng đến huyết áp.
Ví dụ: Xơ vữa động mạch sẽ giảm khả năng đàn hồi của mạch máu dẫn đến huyết áp cao. Mạch máu co mạnh cũng làm tăng huyết áp hay nhịp đập tim nhanh mạnh tống máu nhiều vào lòng mạch trong khi mạch máu giãn nở không kịp thời (xơ vữa động mạch) cũng gây tăng huyết áp. Ăn mặn làm lượng máu gia tăng trong lòng mạch làm tăng áp lực thẩm thấu dẫn đến hậu quả kéo nước từ mô gian bào vào lòng mạch máu.
Nhiều bệnh lý nội khoa khác như viêm cầu thận, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa... dần dần cũng dẫn đến biến chứng cao huyết áp và có nhiều người bị cao huyết áp nhưng không tìm được nguyên nhân.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng như Hiệp hội Tim mạch thế giới, khoảng 90% bệnh nhân bị cao huyết áp không tìm được nguyên nhân, loại này được gọi là cao huyết áp nguyên phát (hay còn gọi là bệnh cao huyết áp); 10% bệnh nhân cao huyết áp là biến chứng do bệnh lý nội khoa khác, được gọi là bệnh cao huyết áp thứ phát (tăng huyết áp triệu chứng).
Hiện nay, trên phạm vi toàn thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng và ngay tại Phú Yên cũng vậy, số người bị cao huyết áp đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt độ tuổi bị tăng huyết áp đang có xu hướng trẻ hóa. Đây là vấn đề y tế công cộng cần phải được quan tâm.
Thành công trong điều trị cao huyết áp tùy thuộc vào mức độ huyết áp. Tuy nhiên, để khống chế tốt tình trạng huyết áp cần phối hợp trị liệu trên cả ba lĩnh vực: sử dụng thuốc do thầy thuốc chỉ định, chế độ dinh dưỡng hợp lý và luyện tập phù hợp.
Như vậy, chế độ ăn uống hết sức quan trọng trong phòng ngừa và điều trị cao huyết áp. Một chế độ ăn hợp lý là chế độ ăn vừa đủ thành phần dinh dưỡng cho cơ thể hoạt động và phát triển, vừa đảm bảo cân đối các vi chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể hoạt động với công năng tốt nhất và hiệu quả nhất.
Chúng ta đều biết chế độ ăn quá nhiều đạm (protide) là gánh nặng cho thận, gây xơ vữa mạch máu. Chế độ ăn nhiều muối là nguy cơ cao làm cao huyết áp, và cao huyết áp chính là nguyên nhân gây đột quỵ, tai biến mạch máu não, suy thận.
Vì vậy, mọi người hãy giảm bớt lượng muối hàng ngày trong bữa ăn của mình để tránh nguy cơ bị cao huyết áp và một số bệnh lý khác liên quan đến ăn mặn. Mỗi ngày, mỗi người ăn không quá 6g muối, nhưng chúng ta nên nhớ rằng trong mỗi loại thực phẩm đều có một lượng Natri clorua nhất định. Nói cách khác, trong thực phẩm đều có chứa một lượng muối, vì vậy khi nêm món ăn cần chú ý đặc điểm này. Hơn nữa, trong các thực phẩm được nuôi, trồng ở vùng nước mặn hay gần biển, nồng độ muối đều cao hơn so với thực phẩm khác.
Đơn giản hơn, chúng ta cần giảm số lượng các nước chấm trong mỗi bữa ăn, người nội trợ chú ý đừng “nặng” tay khi nêm món ăn và người ăn chấm nhẹ vào chén nước chấm là ta đã giảm được lượng muối trong mỗi bữa ăn. Vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, hãy giảm bớt lượng muối hàng ngày trong bữa ăn để giảm thiểu các bệnh lý không lây nhiễm nói chung, cao huyết áp nói riêng.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên