Với chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 đang được triển khai trong cả nước với nhiều hoạt động, trong đó truyền thông là hoạt động trọng tâm.
Các nội dung được chú trọng trong truyền thông là: lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV và xét nghiệm định kỳ với nhóm có hành vi nguy cơ cao; lợi ích của dự phòng sớm lây nhiễm HIV, sử dụng bơm kim tiêm sạch, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; lợi ích của việc điều trị bằng thuốc ARV, tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; quảng bá các dịch vụ điều trị ARV tại địa phương...; những quy định của pháp luật liên quan đến quyền tiếp cận điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS; không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS…
Song song với hoạt động truyền thông, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác cũng được triển khai trong Tháng hành động quốc gia, như mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS (tư vấn xét nghiệm HIV lưu động, xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tổ chức điểm cấp phát thuốc Methadone, cấp phát thuốc ARV tại các trạm y tế xã); vận động đưa trẻ nhiễm HIV đến trường học chung với trẻ không nhiễm HIV và chống kỳ thị phân biệt đối xử với trẻ nhiễm HIV; vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động, nhận người lao động là người nhiễm HIV, người sau cai, người đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; vận động các tổ chức, cá nhân và gia đình tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, ủng hộ gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, tổ chức thăm hỏi người nhiễm hoặc nhóm người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS tại địa phương…
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 (từ ngày 10/11-10/12) nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, hướng tới các mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) để kết thúc dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030. Các hoạt động của Tháng hành động quốc gia góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS nói chung và lợi ích của xét nghiệm HIV sớm nói riêng; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS…
Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động mục tiêu 90-90-90 ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Trong các mục tiêu trên, mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình là tiền đề quan trọng để thực hiện hai mục tiêu còn lại. Do vậy Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017, Việt Nam tập trung vào chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”.
Theo thống kê đến tháng 5/2017, cả nước có gần 210.000 người nhiễm HIV còn sống; gần 90.900 người tử vong do HIV/AIDS tính từ đầu vụ dịch đến nay.
NGỌC LAN