Thứ Năm, 10/10/2024 22:23 CH
Cân bằng dinh dưỡng bữa ăn học đường
Thứ Hai, 20/11/2017 11:00 SA

Trong khi tình trạng trẻ em ở khu vực nông thôn bị suy dinh dưỡng, thấp còi vẫn còn là nỗi lo thì tình trạng trẻ thừa cân, béo phì (đa phần tập trung ở các đô thị lớn) cũng đã đến mức báo động. Và dù quan tâm đến dinh dưỡng, song bữa ăn học đường ở nhiều nơi vẫn chưa được tiêu chuẩn hóa một cách cụ thể.

 

Bữa ăn của học sinh bán trú Trường tiểu học Kim Đồng (TP Tuy Hòa) - Ảnh: MẠNH THÚY

 

Chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm

 

Theo cô Lâm Thị Hồng Hải, phụ trách an toàn thực phẩm ở Trường phổ thông Duy Tân (TP Tuy Hòa), trường này hiện có gần 1.000 học sinh bán trú ở cả ba cấp. Nguyên liệu để chế biến thức ăn cho các em được mua tại các đại lý đã được “bảo chứng” về an toàn thực phẩm. Nguyên liệu mua về, ngoài việc kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng..., nhân viên ở đây còn kiểm tra nhanh một số chỉ tiêu hóa, lý, sau đó mới đưa vào chế biến. Và trước khi cung cấp cho học sinh, thực phẩm cũng được kiểm tra, lưu mẫu. “Chúng tôi kiểm thực ba bước theo quy định của Bộ Y tế và có sổ lưu đàng hoàng. Nhân viên phục vụ được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Về bữa ăn, chúng tôi căn cứ vào tháp dinh dưỡng để tính toán lượng thực phẩm tương ứng, đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh”, cô Hồng Hải cho biết.

 

Trường tiểu học Kim Đồng (TP Tuy Hòa) có hơn 630 học sinh, trong đó 445 học sinh bán trú. Theo cô Đặng Thị Thanh, Phó Hiệu trưởng, thực đơn hàng ngày của các em do nhân viên cấp dưỡng chọn, nhân viên y tế kiểm tra rồi mới trình lãnh đạo nhà trường duyệt. “Chúng tôi tham khảo thông tin từ các kênh để tránh không chế biến cùng lúc những thực phẩm kỵ nhau; nguồn cung cấp thực phẩm là siêu thị. Cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã kiểm tra và góp ý cho chúng tôi xây dựng quy trình bếp một chiều, từ nguyên liệu đến khâu sơ chế, chế biến, cung cấp cho học sinh phải tuân theo một chiều, thực phẩm sống và thực phẩm chín không lẫn lộn”, cô Thanh cho biết.

 

Có thể thấy hai trường bán trú trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Riêng việc xây dựng thực đơn cho học sinh thì mỗi trường có cách làm riêng.

 

Dự án Bữa ăn học đường

 

Kết quả điều tra tại 6 tỉnh, thành phố trong nước cho thấy, phần ăn của trẻ từ 6-11 tuổi chỉ đạt khoảng 76% nhu cầu đề nghị; canxi, sắt, vitamin A chưa đáp ứng nhu cầu, trong khi các khoáng chất và vitamin này rất quan trọng đối với sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.

 

Với kinh nghiệm từ bữa ăn bán trú được áp dụng thành công ở Nhật Bản, Công ty Ajinomoto Việt Nam khởi xướng dự án Bữa ăn học đường và phối hợp với Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ GD-ĐT triển khai dự án này từ năm 2012, tại TP Hồ Chí Minh, sau đó đến Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội trước khi nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong nước… Mục tiêu của dự án là cung cấp những thực đơn cân bằng về dinh dưỡng, đa dạng và ngon miệng cho học sinh các trường tiểu học bán trú, góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn, từ đó cải thiện tình trạng dinh dưỡng, thể chất và trí tuệ của trẻ em. Ông Hiroharu Motohashi, Tổng Giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam, nói: “Tập đoàn Ajinomoto có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong vấn đề dinh dưỡng. Tập đoàn chúng tôi có rất nhiều nhà khoa học, nhà dinh dưỡng đang làm việc. Họ đã phát triển những kỹ thuật, công nghệ để hỗ trợ, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân trên toàn thế giới. Từ năm 1991, Ajinomoto Việt Nam được thành lập và chúng tôi luôn hướng đến việc đóng góp cho xã hội Việt Nam bằng những kinh nghiệm, kiến thức của mình”.

 

Dự án Bữa ăn học đường gồm các nội dung chính: phát hành bộ thực đơn cân bằng dinh dưỡng, đa dạng và ngon miệng; cung cấp bộ minh họa và áp phích “3 phút thay đổi nhận thức”; xây dựng mô hình mẫu bếp ăn bán trú tại Trường tiểu học Trưng Trắc (TP Hồ Chí Minh) cho các trường tham quan, học tập và áp dụng. Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho phép người dùng tạo thực đơn bằng cách chọn thực đơn từ ngân hàng (120 thực đơn sẵn có với trên 360 món ăn không lặp lại) đã cân bằng dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm và ngon miệng, được phân loại theo ba miền Bắc, Trung, Nam. Đồng thời phần mềm này cho phép người dùng kết hợp những món ăn có sẵn trong ngân hàng thực đơn để tạo ra vô số thực đơn mới mà vẫn đảm bảo tính cân bằng dinh dưỡng, đa dạng và ngon miệng.

 

Đầu năm 2017, Bộ GD-ĐT ban hành quyết định về việc phê duyệt phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng. Theo đó, phần mềm được sử dụng ở các trường tiểu học bán trú trong cả nước nhằm đảm bảo cân bằng dinh dưỡng trong các bữa ăn tại trường.

 

Chỉ cần vào trang web buaanhocduong.com.vn và đăng ký tài khoản các trường bán trú sẽ được cung cấp miễn phí phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek