Chủ Nhật, 06/10/2024 00:47 SA
Bệnh tả và các biện pháp phòng chống trong cộng đồng
Thứ Hai, 12/11/2007 14:00 CH

Sau gần 10 năm khống chế dịch thành công, bệnh tả đã xuất hiện trở lại ở nhiều tỉnh thành phía bắc với hàng ngàn người mắc, biểu hiện bằng dịch tiêu chảy cấp và đã có hàng trăm ca xác định là do phẩy khuẩn tả gây ra. Nhằm có biện pháp khống chế dịch kịp thời, chúng ta cần hết sức cảnh giác với những ca mắc tiêu chảy đầu tiên, tổ chức giám sát tích cực, triển khai khẩn cấp công tác phòng chống dịch đến tất cả các cơ sở y tế.

 

071112-Dieu-tri.jpg

Điều trị bệnh nhân bị tiêu chảy cấp ở khu vực phía Bắc - Ảnh: VNN

 

TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH TẢ

 

Bệnh tả là bệnh truyền nhiễm, gây dịch gọi là dịch 4 không (0000) lây truyền theo đường phân-nước-miệng do khuẩn tả gây ra, mầm bệnh chủ yếu là phẩy khuẩn tả Elter (Vibriocholera Elter) có 3 type huyết thanh là Ogawa, Inaba và Hikojima.

 

Phẩy khuẩn tả xâm nhập vào người chủ yếu theo đường phân-miệng thông qua nước uống, thức ăn, vật dụng, tay bị nhiễm khuẩn. Các đường lây quan trọng gồm: - Nước uống và nước sinh hoạt bị ô nhiễm, thực phẩm không được bảo quản tốt, không được nấu chín, bị nhiễm trong khi chế biến bởi ruồi, tay bẩn hay vật dụng (bát đũa, rổ rá….), dùng nguồn nước bị ô nhiễm.

 

- Phân, chất nôn từ bệnh nhân gây ô nhiễm đất, nguồn nước và vật dụng của bệnh nhân (giường, chiếu, quần áo, bát đũa…).

 

- Lây nhiễm bởi trực tiếp tiếp xúc với người nhà, thầy thuốc, săn sóc bệnh nhân.

 

* Biểu hiện lâm sàng bệnh tả: với 4 triệu chứng sau đây:

 

- Ủ bệnh rất ngắn, có thể từ 4 giờ đến tối đa là 5 ngày. Sau khi ăn uống phải thực phẩm mang phẩy khuẩn tả, bệnh bắt đầu đột ngột, sôi bụng, đầy bụng, sau đó đi ngoài; lúc đầu có phân, sau đó chỉ toàn nước, bệnh nhân tiêu chảy xối xả hàng chục lần trong ngày, có khi không đếm được, phân toé ra không kìm chế được, mỗi lần đi ngoài có thể mất 1 lít nước. Trong 6-8 giờ đầu, có thể bệnh nhân mất đến 20 lít nước hoặc hơn nữa. Phân tả là chất nước đục như nước vo gạo, có mùi tanh nồng đặc biệt. Bệnh nhân tiêu chảy một cách tự nhiên, không đau quặn bụng, không mót rặn.

 

- Nôn mửa: không kìm hãm, thường xuất hiện sau tiêu chảy vài lần, lúc đầu ra thức ăn, sau toàn nước, tiêu chảy xối xả kèm theo ói mửa liên tục, dân gian gọi là “thổ tả”.

 

- Tình trạng mất nước, mất muối xuất hiện nhanh chóng. Bệnh nhân rất mệt, da nhăn nheo, bàn tay bàn chân lạnh, tím tái, mắt trũng sâu, lờ đờ, lòng đen khô, các hố trên đòn, trên xương ức, nách, kheo chân đều lộ rõ, lượng nước tiểu giảm dần, có khi không có nước tiểu trên 6 giờ. Các trường hợp nặng, bệnh nhân bị chuột rút (vọp bẻ) rất đau đớn ở bắp chân, đùi, ngực bụng.

 

- Bệnh nhân thường không sốt, nhiệt độ dưới 370, toàn thân lạnh, da nhớp mồ hôi, giọng nói thều thào, thở nhanh, mạch cổ tay yếu, có khi không bắt được, huyết áp hạ thấp có khi không đo được.

 

Bệnh tả diễn biến nhanh chóng từ 3 đến 10 tiếng. Trung bình 3-4 ngày, tỉ lệ tử vong tuỳ thuộc vào mức độ khẩn trương của điều trị cấp cứu.

 

* Cách xử trí: theo 3 nguyên tắc:

 

- Nhanh chóng bù nước điện giải cho bệnh nhân ngay tức khắc, bù đầy đủ bằng đường uống hoặc đường truyền tĩnh mạch tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh. Nếu không có ORS thì có thể pha dung dịch muối đường cho bệnh nhân uống (1 thìa cà phê muối, 8 thìa cà phê đường pha trong 1 lít nước). Việc bù nước sớm, đúng, đủ là biện pháp đơn giản và có hiệu quả để cứu sống bệnh nhân.

 

- Diệt phẩy khuẩn tả bằng kháng sinh: Tetracyllin hoặc Bactrim, không dùng thuốc cầm tiêu chảy.

 

- Tổ chức tốt việc điều trị tại chỗ là chính, không gieo rắc phẩy khuẩn tả dọc theo các phương tiện di chuyển. Thực hiện ăn chín uống sôi, diệt ruồi; xử lý tốt chất nôn và phân của bệnh nhân bằng vôi bột và Chloramin B 5%.

 

PHÒNG CHỐNG TẢ NHƯ THẾ NÀO?

 

-Thực hiện tốt chương trình phòng chống tiêu chảy là giải pháp hữu hiệu nhất cho công tác phòng chống tả; tổ chức ghi nhận, quản lý, điều trị thích hợp cho bệnh nhân tiêu chảy.

 

- Thường xuyên duy trì phong trào vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch, giám sát phát hiện dịch sớm, triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch, khống chế dịch không để lan rộng, dập tắt dịch trong thời gian ngắn nhất.

 

- Giáo dục y tế cho mọi người tự giác phòng và chữa bệnh tiêu chảy như: thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, cho ăn sam hợp lý, rửa tay, sử dụng nguồn nước sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khi chế biến thức ăn.

 

- Thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch.

 

- Triển khai các biện pháp giám sát dịch: theo dõi số mắc và đặc điểm bệnh nhân tiêu chảy hàng ngày, khi nghi ngờ ca mắc dịch tả phải lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức giám sát ca bệnh và chú ý các ổ dịch cũ. Trang bị kỹ thuật để xét nghiệm sơ bộ phẩy khuẩn tả ở trung tâm dự phòng và bệnh viện tuyến huyện (như soi tươi, nuôi cấy; làm ngưng hết huyết thanh tả đa giá) từ các mẫu phân khả nghi từ tuyến xã gửi về.

 

- Thành lập đội chống dịch lưu động: thiết lập các cơ sở điều trị tạm thời, thu dung và điều trị bệnh nhân tả, áp dụng các biện pháp khử trùng và vệ sinh môi trường, tẩy uế chất thải, vật dụng từ bệnh nhân, xử lý phân, vệ sinh nguồn nước, diệt ruồi, thực hiện tuyên truyền, giáo dục y tế cộng đồng, phát hiện xử lý người tiếp xúc, người mang khuẩn, cung cấp hậu cần thiết yếu cho xử lý ổ dịch: như thuốc men, vôi bột, chloramin B, tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh thực phẩm.

 

Thực hiện tốt những biện pháp trên sẽ chủ động trong việc phòng chống tốt dịch tiêu chảy cấp và bệnh tả.

 

BS CA KHẢI HIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek