Chủ Nhật, 06/10/2024 03:01 SA
Chủ động phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm
Thứ Năm, 08/11/2007 14:00 CH

Tiêu chảy cấp đang lây lan nhanh ở nhiều tỉnh, thành phố cả nước là bệnh lý hay gặp ở nhiều nơi, có thể xảy ra bất kỳ thời gian nào trong năm, lây lan nhanh và thành dịch khá nguy hiểm. Vậy phải làm thế nào để phòng tránh hiệu quả căn bệnh này?

 

071107-benh.jpg

Ăn mắm tôm, rau sống rửa không sạch có thể mắc bệnh tiêu chảy cấp

 

Tiêu chảy có thể do nhiều nguyên nhân như virút, vi trùng, ký sinh trùng và rất nguy hiểm nếu tiêu chảy gây mất nước nặng cho bệnh nhân. Trong các trường hợp tiêu chảy nặng nếu không bù nước và điện giải kịp thời bệnh nhân rất dễ tử vong nhất là ở trẻ em và người lớn tuổi. Bệnh lây lan do sử dụng nguồn nước, thực phẩm bị nhiễm các tác nhân gây bệnh và do vệ sinh cá nhân, môi trường kém.

 

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có liên quan đến ăn thịt chó chấm mắm tôm, tiết canh... có nhiều bệnh nhân nặng đã phải chuyền dịch từ 10 – 20 lít/ngày. Theo TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, dịch tiêu chảy này hết sức nguy hiểm vì vi khuẩn gây bệnh kháng nhiều loại kháng sinh nên điều trị nguyên nhân cần phải có kháng sinh đặc hiệu. Hơn nữa, triệu chứng lâm sàng của bệnh chỉ có nôn và đi tiêu chảy nhiều, mất nước nhanh nên bệnh nhân rất dễ tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Cũng theo TS Trịnh Quân Huấn, đây là bệnh tiêu chảy thông thường, việc điều trị có thể thực hiện hiệu quả ở tất cả các tuyến y tế hiện có, do đó khi có các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy nhiều thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị.

 

Đã có hơn 1000 bệnh nhân ở 11 tỉnh, thành phố mắc bệnh tiêu chảy cấp

 

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo tiêu chảy cấp chiều 5/11, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định chưa có ca tiêu chảy cấp nào tử vong.

 

Tuy nhiên, số bệnh nhân nhập viện vẫn tăng. Cũng tại cuộc họp, Bộ Y tế thông báo tính từ khi có bệnh nhân tiêu chảy đầu tiên xuất hiện (cuối tháng 10) đến nay đã có 1.011 ca tiêu chảy cấp. Dịch tiêu chảy xuất hiện ở 11 tỉnh, thành trong cả nước (Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Dương và Nghệ An), trong đó Hà Nội vẫn là địa phương có số người mắc cao mặc dù số bệnh nhân nhập viện trong những ngày qua đã giảm. Hiện trên địa bàn thủ đô 14/14 quận huyện đã có dịch.

Ở Phú Yên đến nay chưa xuất hiện ca bệnh, nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Hiện nay, mưa nhiều, khí hậu ẩm thấp, lụt lội xảy ra dẫn đến vệ sinh môi trường kém, người dân ít có điều kiện lựa chọn thực phẩm chất lượng. Hơn nữa việc chế biến, bảo quản thực phẩm khó đảm bảo chất lượng nên nguy cơ bệnh tiêu chảy xảy ra là khá lớn. Vì vậy, biện pháp dự phòng bệnh tiêu chảy cần phải được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Mỗi người dân cần thực hiện tốt các khuyến cáo sau đây: Không ăn rau sống; không ăn mắm tôm, mắm tép, mắm cá; không ăn tiết canh; không ăn các loại gỏi hải sản sống; không được uống nước chưa đun sôi; không ăn nem chua. Tăng cường vệ sinh cá nhân, tuyệt đối phải ăn chín uống sôi; vệ sinh môi trường, đặc biệt là vệ sinh các nguồn nước, xử lý tốt các chất thải của người và súc vật. Không đổ chất thải của người bệnh xuống ao, hồ…, phải xử lý nguồn nước nghi có ô nhiễm bằng Cloramin B. Khi có trường hợp tiêu chảy, phải nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất.

 

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền cho người dân biết về dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tuyến tỉnh đến xã phường, thị trấn. Tăng cường truyền thông trực tiếp, tư vấn để người dân thay đổi các hành vi nguy cơ. Song song với các hoạt động trên, cần tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cơ sở sản xuất chế biến, cung ứng thực phẩm, các bếp ăn tập thể, các nhà hàng, quán ăn. Kiên quyết xử phạt và phạt thích đáng các hành vi vi phạm. Các cơ sở y tế trong tỉnh chủ động cơ số thuốc, dịch chuyền, nhân lực, trang thiết bị cần thiết sẵn sàng đối phó khi có dịch bệnh xảy ra.

 

Giám đốc Sở Y tế Phú Yên Trần Văn Tý cùng Trung tâm y tế dự phòng tỉnh vừa đi kiểm tra giám sát nguồn nước bị ô nhiễm tại các địa phương và đôn đốc các cơ sở y tế  chủ động trong công tác phòng chống dịch do ô nhiễm môi trường gây ra.

Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã trích các cơ số thuốc dự trữ phòng chống dịch tả, bột sát khuẩn tiêu độc, khử mùi về cho 9 huyện, thành phố để người dân kịp thời xử lý nguồn nước giếng ô nhiễm do lũ lụt. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh còn yêu cầu các huyện, thành phố nhanh chóng thành lập và củng cố 2 đội phòng chống dịch cơ động, chủ động ứng phó khi có dấu hiệu dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là dịch bệnh tiêu chảy cấp. Các đội phòng chống dịch cần theo dõi và túc trực cả ngày nghỉ, thường xuyên báo cáo lên cấp trên về tình hình dịch bệnh ở địa phương mình.   

Q. HỘI

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek