Khói thuốc lá và tác hại của khói thuốc lá đối với sức khỏe con người đã được biết từ lâu. Tuy nhiên hiện nay, việc sử dụng thuốc lá vẫn khá phổ biến trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Mức độ nguy hiểm của khói thuốc lá cho sức khỏe đã được đề cập rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng; các biện pháp hạn chế hút thuốc để giảm thiểu tác hại của khói thuốc được triển khai khá rầm rộ, nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế.
Trong khói thuốc lá có hơn 7.000 hóa chất khác nhau, trong đó có 69 chất gây ung thư. Thuốc lá là nguyên nhân gây nên 25 căn bệnh và là nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh lý như ung thư phổi, họng, miệng, hầu... Thuốc lá còn ảnh hưởng đến khả năng thụ thai; con của những người mẹ hút thuốc lá đẻ ra thường có cân nặng thấp hơn 200-400g so với con của các bà mẹ không hút thuốc lá. Thuốc lá còn là nguyên nhân gây nên các bệnh lý về hô hấp khác như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), các bệnh thiếu máu cơ tim, nhồi máu não, hoại tử chi, thiểu năng tình dục và nhiều căn bệnh khác. Chỉ riêng ở Việt Nam, hàng năm có đến 40.000 người tử vong do các bệnh lý có liên quan đến thuốc lá. Số lượng này cao hơn rất nhiều so với số người tử vong do tai nạn giao thông, do HIV/AIDS. Theo số liệu thống kê của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), ở Việt Nam, chi phí điều trị các bệnh lý liên quan đến thuốc lá trong năm 2016 lên đến 25.000 tỉ đồng.
Khói thuốc lá không chỉ gây tác hại đến sức khỏe của người trực tiếp hút thuốc lá mà còn ảnh hưởng đến cả sức khỏe của người không hút nhưng hít phải khói thuốc có trong môi trường (hút thuốc lá thụ động). Do đó, thuốc lá không chỉ là yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe của người hút mà còn là yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, để phòng chống tác hại của thuốc lá phải phối kết hợp nhiều biện pháp, bên cạnh các biện pháp tuyên truyền vận động phải kết hợp với các biện pháp hành chính theo luật định. Việt Nam đã tham gia Công ước khung của tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát thuốc lá. Chúng ta cũng đã có Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (có hiệu lực từ ngày 1/5/2013), tuy nhiên việc thực thi luật còn nhiều hạn chế nên hiệu quả không cao; số người bỏ thuốc lá không nhiều như mong muốn. Để hạn chế tác hại do khói thuốc gây ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể phải triển khai đồng bộ và vào cuộc quyết liệt; đặc biệt, cộng đồng dân cư và từng người dân cũng phải chung tay góp sức. Người hút sẽ giảm khi nguồn cung hạn chế, giá cả thuốc lá tăng cao; còn người vi phạm thì bị xử lý theo luật. Và hơn ai hết, vai trò của người đứng đầu hết sức quan trọng, có khi có tính quyết định để giảm số người hút thuốc lá.
Khi trong phòng có người hút, khói thuốc lá của người hút và khói của điếu thuốc lá đang cháy tỏa ra sẽ tràn ngập căn phòng. Hơn 7.000 hóa chất có trong khói thuốc lá sẽ chiếm chỗ, đầu độc bầu không khí chật hẹp và tác động vào những người xung quanh. Nguy hiểm hơn là ở những nơi không được thông thoáng như phòng máy lạnh, phòng kín không có gió, sự tồn lưu các khí độc rất lâu, các khí độc có “điều kiện” tấn công vào các cơ quan, bộ phận cơ thể người. Ngày này sang ngày khác, những người hít phải khói thuốc sẽ bị rối loạn sinh lý do khói thuốc hủy hoại các cơ quan trong cơ thể, gây rối loạn quá trình phân chia tế bào dẫn đến loạn sản và ung thư.
Trong gia đình, một người hút ắt tất cả thành viên đều bị ảnh hưởng. Trong cơ quan, một người hút sẽ ảnh hưởng đến hầu hết nhân viên do hút thuốc thụ động. Con người có quyền được sống trong môi trường trong sạch, lành mạnh, mỗi người vì mọi người và ngược lại. Vì vậy, cơ quan, đơn vị cần xử lý nghiêm những người gây ô nhiễm không khí. Thực tế cho thấy việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá còn chưa thật sự nghiêm túc, nhiều người đứng đầu cơ quan, đơn vị cũng hút nên khó xử phạt nhân viên. Hơn nữa, tác hại của khói thuốc đến mọi người diễn ra một cách từ từ nên mọi người khá chủ quan, chưa thật sự quan tâm. Bên cạnh đó, người Việt Nam thường sợ mất lòng, sống theo tình cảm nên việc thực thi luật nói chung, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nói riêng chưa nghiêm. Tất cả những yếu tố trên đã và đang ảnh hưởng đến chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá ở Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng.
Vì sức khỏe của chính mình, gia đình, cộng đồng và xa hơn nữa là toàn xã hội, mọi người hãy kiên quyết nói không với thuốc lá, thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá!
BS NGUYỄN VINH QUANG
(Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá tỉnh)