Hỏi: Năm nay tôi 63 tuổi, thường bị tiểu són, tiểu đêm, đi tiểu có cảm giác không hết nước tiểu. Đi khám được chẩn đoán là phì đại tuyến tiền liệt, lâu nay có dùng nhiều thuốc đông tây y cũng giảm được phần nào. Nghe nói bệnh cuối cùng cũng phải mổ, có phải như vậy không?
Nguyễn Lê Thương
(phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa)
Trả lời: Phì đại tiền liệt tuyến (PĐTLT) là một chẩn đoán về hình thể để chỉ tình trạng quá phát của cơ trơn và các tế bào bên trong tuyến tiền liệt - một tuyến nội tiết nằm ở góc bàng quang (bọng đái) và niệu đạo (đường dẫn nước tiểu ra). PĐTLT là một bệnh lành tính khá phổ biến ở nam giới, tỉ lệ mắc tăng dần theo tuổi, 20% ở tuổi 40, 60% tuổi 60 và 90% ở tuổi 70-80. Bệnh thường không cần điều trị nếu chưa có những triệu chứng ở đường tiểu. Các triệu chứng bệnh chia làm 2 loại: do chèn ép bàng quang gồm: cảm giác căng tức bàng quang, tia nước tiểu yếu, tiểu không thành dòng, tiểu són hoặc bí tiểu hoàn toàn; triệu chứng kích thích gồm: tiểu gắt, tiểu láu, tiểu đêm.
Mục tiêu của điều trị là giảm nhẹ triệu chứng, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Chiến lược điều trị gồm:
Trì hoãn một cách thận trọng. Thăm khám đầy đủ, định kỳ, cân nhắc các lợi ích cũng như tác dụng phụ của các phương án điều trị để có thể quyết định đúng.
Thay đổi lối sống là khuyến cáo đầu tiên gồm: hạn chế uống nước vào ban đêm, tập đi tiểu theo giờ, hoạt động thể lực đều đặn, điều trị táo bón nếu có, tránh rượu bia, càphê và các thức ăn kích thích.
Thuốc. Khi các biện pháp kể trên không đủ cải thiện triệu chứng, cần dùng thêm thuốc hỗ trợ. Hiện nay có nhiều loại tân dược tác dụng theo các cơ chế khác nhau gồm các thuốc làm giãn cơ trơn tuyến tiền liệt (TTL), thuốc ức chế sự phát triển tế bào TTL, thuốc giảm co cơ trơn bàng quang, thuốc giảm trương lực cơ trơn bàng quang, niệu đạo, TTL. Có thể dùng phối hợp một số thuốc. Các thuốc đều có những tác dụng phụ nhất định, phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định.
Điều trị ngoại khoa là phương án lựa chọn trong những trường hợp PĐTLT với triệu chứng đường tiểu mức độ vừa đến nặng, bí tiểu cấp hoặc các biến chứng nặng khác. Cân nhắc kỹ phương án điều trị ngoại khoa khi các phương án điều trị nội không giảm nhẹ được triệu chứng, vì có thể có nhiều tác dụng phụ và kết quả không như kỳ vọng. Cho đến nay, phẫu thuật cắt bỏ một phần bàng quang qua đường niệu đạo vẫn là phương pháp chuẩn. Những trường hợp TTL lớn (80-100ml), sỏi bàng quang, túi thừa bàng quang có thể phải phẫu thuật mở.
BS ĐOÀN VĂN HẢI