Ngày Thế giới phòng chống lao (24/3) hàng năm, nhiều hoạt động phòng chống lao được phát động để mọi người có cơ hội nâng cao nhận thức về gánh nặng do bệnh lao, nắm bắt tình hình ngăn chặn bệnh lao và hiệu quả của việc chăm sóc bệnh nhân lao trên phạm vi toàn cầu. Đây cũng là cơ hội để huy động sự cam kết của các nhà lãnh đạo và xã hội, thúc đẩy việc thanh toán bệnh lao.
Năm 2017 là năm thứ hai của chiến dịch 2 năm “Thống nhất để kết thúc bệnh lao”. Trong năm này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tập trung vào việc kết hợp các nỗ lực không để sót bệnh nhân lao, bao gồm các hoạt động như xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử với bệnh nhân lao và vượt qua các rào cản để bệnh nhân lao được tiếp cận chăm sóc.
Để chương trình phòng chống lao phát huy hiệu quả, phải thực hiện nguyên tắc “đảm bảo không một bệnh nhân lao nào bị bỏ”. Điều này rất cần thiết để tiếp cận với mục tiêu kết thúc bệnh lao vào năm 2030, là một phần của mục tiêu phát triển bền vững và WHO kết thúc chiến lược phòng chống lao.
Theo báo cáo của WHO, có 10,4 triệu người ngã bệnh do lao và bệnh lao đã làm 1,8 triệu người tử vong trong năm 2015. Lao là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh nhiễm trùng. Bệnh lao đã gây ảnh hưởng nặng nề trong cộng đồng. Tại cộng đồng, người bệnh có thể bị xa lánh, từ đó quyền con người của người bệnh cũng bị hạn chế.
Những người di cư, tị nạn, người dân tộc thiểu số, thợ mỏ và những công nhân khác sống trong vùng có nguy cơ, người già và trẻ em là những đối tượng cần phải được quan tâm. Các yếu tố như dinh dưỡng, nhà ở chật hẹp, điều kiện vệ sinh kém là những yếu tố nguy cơ cao bị bệnh lao, phối hợp với các yếu tố khác như hút thuốc lá, rượu, tiểu đường làm cho bệnh lao càng trầm trọng. Xa hơn nữa, các rào cản như khó tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chi phí đắt đỏ, thường xuyên bị thiên tai thảm họa, thiếu dịch vụ, bỏ điều trị, thiếu các biện pháp phòng bệnh dẫn đến vòng luẩn quẩn nghèo đói và bệnh tật. Tình trạng lao kháng thuốc cộng với nhiều yếu tố khác đòi hỏi chúng ta phải hết sức quan tâm trong cuộc chiến phòng chống lao.
Vì vậy, để cuộc chiến phòng chống lao ở Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng đạt hiệu quả, chúng ta cần có các biện pháp phối hợp, đồng bộ từ khâu nâng cao hiệu quả dịch vụ y tế, tạo thuận lợi cho người bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc... đến giải quyết một loạt vấn đề như dinh dưỡng, nhà ở, điều kiện vệ sinh và nhiều chính sách xã hội khác. Cónhư vậy chúng ta mới chặn đứng và tiến tới loại trừ bệnh lao vào năm 2030 như mục tiêu của WHO.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên
(Lược dịch từ World TB Day)