Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh hô hấp thường gặp có thể phòng ngừa và điều trị được. Đặc trưng của bệnh là hạn chế luồng không khí thở tiến triển kết hợp với hiện tượng viêm mạn tính ở đường hô hấp do phản ứng với các hạt hoặc chất khí có hại, tiến triển từng đợt và có xu hướng ngày càng nặng dần.
COPD là nguyên nhân hàng đầu về bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới (sau các bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não và ung thư), một gánh nặng về kinh tế xã hội rất lớn và đang tăng lên từng ngày.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của COPD
Các yếu tố nguy cơ mắc COPD bao gồm các yếu tố cơ địa và môi trường, như viêm đường hô hấp, hút thuốc lá, thuốc lào, di truyền, ô nhiễm không khí thở; các yếu tố liên quan đến sự phát triển của phổi trong thời kỳ mang thai và thời kỳ thơ ấu (cân nặng khi sinh thấp, nhiễm trùng hô hấp), ngoài ra còn có các yếu tố như cơ địa của bệnh nhân.
Chẩn đoán xác định
- Bệnh nhân trên 40 tuổi, có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào, có ho khạc đờm nhiều năm (ho khạc đờm tổng cộng ít nhất 3 tháng một năm, ít nhất trong 2 năm liên tiếp), khó thở tăng dần, hay có các đợt nhiễm khuẩn tái diễn.
- Lâm sàng: có hội chứng khí thũng phổi (lồng ngực căng giãn, gõ vang); ran rít ran ngáy, ran ẩm, ran nổ ở đáy phổi.
- X-quang phổi chuẩn có hình ảnh phổi bẩn, hình ảnh khí thũng phổi.
- Có dấu hiệu tâm phế mạn khi bệnh phát triển nhiều năm.
- Đo chức năng thông khí phổi: có tắc nghẽn lưu lượng khí thở hồi phục không hoàn toàn (FEV1 < 80% số lý thuyết, FEV1/FVC < 70%).
- Test hồi phục phế quản âm tính.
Điều trị đợt cấp COPD
* Thuốc giãn phế quản:
- Anticholinergic (ipratropium bromide): 2-4 nhát xịt qua luồng hít hoặc 1-2 ống khí dung 4-6 lần mỗi ngày.
- Thuốc β2-agonist tác dụng ngắn (salbutamol): 2-4 nhát xịt qua luồng hít hoặc 1-2 ống phun khí dung 4-6 lần mỗi ngày.
- Dạng phối hợp anticholinergic và β2 agonist tác dụng ngắn: có thể sử dụng nếu đáp ứng kém với từng loại thuốc trên.
* Corticosteroid đường toàn thân: Hiện nay đã có bằng chứng rõ ràng về lợi ích của corticosteroid đường toàn thân trong đợt cấp của COPD. Liều tối ưu chưa được thống nhất.
- Theo GOLD 2016: prednisone/prednisolone 25-30mg mỗi ngày; Methylprednisolone dùng 4-16mg mỗi ngày; thời gian dùng không được khuyến cáo cụ thể,
* Kháng sinh: không được khuyến cáo, chỉ sử dụng kháng sinh khi có triệu chứng nhiễm trùng rõ rệt như sốt cao, có đờm nhiều đục, vàng xanh; cần lưu ý dù có nhiễm trùng hay không nhiễm trùng thì xét nghiệm CRP (C-reaction protein) luôn luôn là dương tính. Kháng sinh thường dùng:
- Amoxicillin/clavulanic acid (Augmentin®)
- Erythromycin hoặc các macrolides khác (như clarithromycin, azithromycin).
- Cephalosporin thế hệ II hoặc III
- Doxycycline
Thời gian điều trị 10-14 ngày (ngoại trừ clarithromycin, azithromycin có thể chỉ cần dùng 3-5 ngày nếu bệnh nhân có đáp ứng điều trị).
* Sử dụng oxy có kiểm soát: Điều trị bằng oxy có kiểm soát là nền tảng của việc điều trị đợt cấp COPD trong bệnh viện và có hiệu quả rõ rệt đối với những bệnh nhân có giảm oxy máu.
Phục hồi chức năng
Chương trình tập luyện sẽ được thiết kế phù hợp cho từng bệnh nhân cụ thể để bệnh nhân thực hiện. Một chương trình phục hồi chức năng toàn diện bao gồm: Cai thuốc lá, thuốc lào; cải thiện thể lực; kiểm soát thở; phòng ngừa những đợt bùng phát COPD; điều trị bằng thuốc; dinh dưỡng hợp lý; học cách sống chung với bệnh tật và luyện thở. Bài tập thở mím môi thường được áp dụng cho người COPD như sau:
Bước 1: Ngậm môi lại, hít thở qua đường mũi.
Bước 2: Mím môi lại giống như sắp thổi sáo hay sắp thổi nến.
Bước 3: Giữ nguyên tư thế mím môi, từ từ thổi hơi qua kẽ môi, không cố gắng dùng lực đẩy hơi ra và có cảm giác căng tức nhẹ trong lồng ngực. Cố gắng kéo dài thì thở ra dài gấp đôi thì hít vào, bệnh nhân có thể nhẩm đếm để so sánh.
Dinh dưỡng tốt, ngủ đủ, kiểm soát tốt tâm lý lo lắng, thường xuyên rèn luyện thể lực và môi trường sống trong lành sẽ giúp các cơ tham gia vào hoạt động thở khỏe mạnh.
Đề phòng viêm nhiễm và tái phát các đợt cấp giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, giảm được tỉ lệ tái nhập viện.
TS-BS CẦM BÁ THỨC
Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương