Thứ Hai, 07/10/2024 11:20 SA
Tránh nhiễm bệnh từ... giấy tiêu dùng
Thứ Hai, 10/09/2007 14:48 CH

Giấy tiêu dùng (gồm giấy vệ sinh, giấy lau tay, khăn giấy...) ngày càng trở nên phổ biến ở tất cả các gia đình, quán ăn. Và điều đáng lo nhất là người tiêu dùng không hề biết tiềm ẩn trong giấy sản xuất không đúng chất lượng là những ổ vi khuẩn, nấm mốc gây bệnh.

 

Ổ bệnh nguy hiểm


070910-giay-cuon.jpgMột bác sĩ da liễu cho biết, giấy ăn không đảm bảo vệ sinh là môi trường lý tưởng để các vi khuẩn gây bệnh ngoài da sinh sôi phát triển, đặc biệt là virus herpes gây lở rộp môi. Các hoá chất còn tồn đọng trong giấy, khăn ăn cũng có thể gây bệnh nguy hiểm cho người sử dụng.


Theo thạc sĩ Đặng Khánh Hà, giấy vệ sinh chỉ đảm bảo vệ sinh khi nguồn nguyên liệu là bột giấy được nghiền từ gỗ, tre, nứa. Chính chất liệu này được ngâm với liều lượng nước tẩy javel phù hợp sẽ làm giấy có màu trắng tinh khiết. Còn những loại giấy được tái chế từ giấy thải thường không có màu trắng thuần tuý (do nước tẩy không thể làm sạch).

 

Những loại giấy tiêu dùng sản xuất theo kiểu thủ công, tận dụng nguyên liệu phế thải, giấy vụn rồi ngâm vào bể nước xút cho mục ra, sau đó dùng máy thuỷ lực nghiền nát thành bột. Để giấy trắng, người ta tẩy bột này bằng nước javel hoặc chất tiba phản quang. Từ bột này, qua một số công đoạn nữa như xeo, ép nước, sấy… sẽ được thành phẩm là giấy ăn, giấy vệ sinh... Một tấn giấy phế liệu để làm ra thành phẩm cần 9 cân xút và 30 – 40 lít javel tẩy trắng. Đối với giấy thơm, phải thêm một công đoạn nữa là phun hoá chất thơm lên mặt giấy. Nhờ vậy giấy có giá rẻ, dễ bán. Giấy càng trắng, càng thơm, càng phải dùng nhiều hoá chất nên giá thành thường đắt hơn các loại giấy xỉn màu hoặc không hương thơm.


Theo thạc sĩ Lê Thị Hồng Hảo, thuộc Trung tâm Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, Viện Dinh dưỡng Việt Nam thì khi sử dụng hoá chất fluor phải tuân thủ yêu cầu rất nghiêm ngặt và phải tránh mọi sự tiếp xúc với da và mắt. Đây là chất độc cực mạnh, khi ở dạng đơn chất có mùi hăng hăng rất dễ phát hiện ở nồng độ thấp. Nồng độ cho phép tối đa của sự phơi nhiễm hằng ngày (8 giờ làm việc) là một phần triệu trên lít. Tỉ lệ javel và fluor trong nước chỉ cho phép mức 0,7 - 1,5mg/lít. Nếu sử dụng bừa bãi trong các sản phẩm rất dễ gây ảnh hưởng tới sức khoẻ con người.


Sản phẩm và trách nhiệm với môi trường


070910-giay-hop.jpgNgười Việt Nam đang tiêu thụ khoảng 13 - 15kg giấy tiêu dùng/năm. Mức này đã tăng khá cao so với thời điểm trước năm 2.000 chỉ ở mức 3 - 5kg/người, nhưng vẫn còn thấp so với các nước Đông Nam Á 30kg/người hoặc châu Âu, Hoa Kỳ 70kg/người. Dự đoán trong 3 năm tới tiêu thụ có thể tăng đến hơn 20kg/người. Với lượng như thế, và cách dùng tiếp xúc trực tiếp với da, mắt, miệng… đòi hỏi giấy tiêu dùng phải đảm bảo an toàn vệ sinh.

 

Sản phẩm đã vậy, công nghệ và trình độ sản xuất cũng là điều người tiêu dùng phải được biết. Bởi lẽ trình độ công nghệ càng thấp thì gây ô nhiễm môi trường càng nghiêm trọng. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bắc Ninh, kết quả điều tra môi trường tại các làng nghề làm giấy đã cho thấy nồng độ các chất H2S, BOD5, COD, DO và coliform trong nước thải đã vượt tiêu chuẩn từ 10 - 20 lần. Lượng nước thải này được xả thẳng từ nơi sản xuất ra ngoài môi trường không qua bất kỳ khâu xử lý nào khiến cho toàn bộ phần nước bề mặt, nước sinh hoạt và môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.


Kỹ thuật và công nghệ kém cũng  làm hao phí tài nguyên nước, nhiều nhà máy trên thế giới chỉ dùng 7 – 15m3 nước/tấn giấy, ở Việt Nam là 30 - 100m3/tấn.


Trên thế giới, một số nhà máy quy mô lớn đã phải đóng cửa do ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn như UPM đã phải đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn nhiều nhà máy ở Canada, Phần Lan. Năm năm tới ở châu Á sẽ có 72 nhà máy phải ngừng sản xuất.


Năm 2007, trong chiến dịch bảo vệ môi trường quốc gia, Trung Quốc sẽ đóng cửa các nhà máy giấy gây ô nhiễm và sản xuất không hiệu quả. Những biện pháp kiên quyết của Trung Quốc gây tổn thất nặng nề cho các doanh nghiệp nhỏ, và họ tập trung đầu tư vào hiện đại, công suất, tốc độ...


Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, cũng như quy hoạch ngành đến 2010 và tầm nhìn 2020 đã khuyến cáo, công suất của các nhà máy bột giấy mới nên từ 100.000 tấn/năm trở lên và của nhà máy giấy là 150.000 tấn trở lên.

 

Theo SGTT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek