Nhân hội thảo Báo chí về phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và các dịch bệnh mùa hè vừa qua tại Đà Nẵng, phóng viên Báo Phú Yên phỏng vấn ông Emmanuel Eraly, chuyên gia truyền thông của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), xung quanh vấn đề truyền thông về phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika gây ra. Ông Emmanuel Eraly cho biết:
- Vi rút Zika đang gây quan ngại to lớn đối với cộng đồng. Nhưng vấn đề không phải do tốc độ lây lan của vi rút Zika mà là các biến chứng nguy hiểm của bệnh này. Cụ thể là đối với trẻ sơ sinh, vi rút Zika có thể gây teo não và hội chứng Guillain, một loại rối loạn hệ thống miễn dịch tác động đến thần kinh gây ra hiện tượng yếu cơ ở tay và chân. Một vấn đề nữa mà các bà mẹ mang thai cần biết là đa phần các bà mẹ nhiễm vi rút Zika đều sinh ra những đứa trẻ phát triển bình thường. Thông điệp này giúp các thai phụ, đặc biệt là thai phụ trong vùng dịch an tâm hơn, phòng ngừa tâm lý nạo phá thai khi nghĩ chắc chắn rằng con mình sẽ bị nhiễm Zika nếu mình bị nhiễm.
* Những dấu hiệu nào có thể nhận biết người bị nhiễm vi rút Zika, thưa ông?
- Một số vấn đề về Zika mà ít người biết đó là có đến 80% bệnh nhân nhiễm Zika không biểu hiện triệu chứng gì ở thời kỳ đầu. Để xác định có nhiễm vi rút Zika hay không, phương pháp duy nhất là phải làm xét nghiệm. Tuy nhiên, những người có các biểu hiện sau đây là dấu hiệu để nhận biết về khả năng nhiễm vi rút Zika: cơ thể sốt nhẹ, mệt mỏi, nổi ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân; viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt và suy nhược…
* Vậy WHO có khuyến cáo nào đặc biệt về loại dịch bệnh nguy hiểm do vi rút Zika gây nên hay không?
- Hiện nay, các nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn chưa tìm ra giai đoạn nào người nhiễm Zika lây sang người khác. Vắc xin phòng ngừa vi rút này cũng chưa có. Muỗi vằn Aedes chính làthủphạm lây truyền vi rút Zika. Vi rút này cũng có thể lây truyền qua đường tình dục và từ mẹ sang con.
Việt Nam nằm trong nhóm nước có nguy cơ bùng phát Zika cao thứ hai trên thế giới sau các nước vùng Nam Mỹ do muỗi vằn phát triển mạnh. WHO khuyến cáo người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, hạn chế đi du lịch ở vùng đang xảy ra dịch. Những người sống vùng đang xảy ra dịch, đến từ vùng dịch do vi rút Zika gây ra cần chủ động theo dõi sức khỏe; nếu có biểu hiện bệnh phải chủ động đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.
* Thưa ông, phương pháp phòng chống lây nhiễm vi rút Zika nào là hiệu quả nhất hiện nay?
- Phương pháp phòng chống lây nhiễm vi rút Zika hiệu quả nhất hiện nay là duy trì các hoạt động đáp ứng phòng chống dịch Zika. Các tổ chức y tế có liên quan cần theo dõi, hướng dẫn, chăm sóc thai nghén cho phụnữmang thai, giám sát chứng đầu nhỏ trước sinh và trẻ sơ sinh tại các cơ sở sản nhi. Việc cần làm ngay là thực hiện chiến dịch tự diệt muỗi, lăng quăng. Trong đó, hai biện pháp đơn giản cần làm là ngủ mắc màn và diệt muỗi trong các ao chậu có nước đọng.
* Xin cảm ơn ông!
Theo WHO, từ tháng 1/2007-5/2016, 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã được ghi nhận là có sự lưu hành hoặc có sự lây truyền vi rút Zika, trong đó có 57 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục có sự lây truyền của vi rút Zika do muỗi truyền. Tại Việt Nam đã ghi nhận có 2 trường hợp dương tính với vi rút Zika. |
TUYẾT TRẦN (thực hiện)