Việt Nam có nguồn dược liệu dồi dào, phong phú nhưng ở nhiều nơi, người dân không sử dụng thảo dược để chữa một số bệnh thông thường theo phương châm “Thầy tại chỗ, thuốc tại vườn, chữa bệnh tại nhà”. Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh vấn đề này, Thầy thuốc Ưu tú Phạm Hinh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Đông y Việt Nam, cho biết:
- Việt Nam là đất nước ở khu vực nhiệt đới, có nguồn dược liệu phong phú, rất nhiều cây thuốc quý. Như chúng ta đã biết, Việt Nam có một nền Đông y rất lâu đời. Ngày xưa, người Việt sử dụng cây cỏ để điều trị bệnh. Ông tổ của ngành Dược Việt Nam là cụ Tuệ Tĩnh (đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh - PV). Cụ có bộ sách “Nam dược thần hiệu” tổng hợp y dược dân tộc cổ truyền. Hội Đông y Việt Nam thấm nhuần tư tưởng “Nam dược trị Nam nhân” của cụ. Hội đã tập hợp, vận động, tổ chức, phát triển đông dược để phục vụ việc chữa bệnh. Hội viên Đông y là những người trực tiếp ở cơ sở, là những ông lang, bà mế, những lương y sử dụng các bài thuốc dân gian, bài thuốc gia truyền… Hiện nay, việc đào tạo bác sĩ Đông y, lương y ở Việt Nam rất quy củ, trong đó sử dụng cây thuốc là một trong những nội dung quan trọng.
Ở một số nơi, do nhận thức còn hạn chế nên người dân chưa hiểu được tác dụng của thuốc nam. Rõ ràng cây thuốc của chúng ta rất phong phú, song ngành Y tế và Hội Đông y phải tích cực tuyên truyền. Một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động của Hội Đông y là tuyên truyền cho người dân biết và sử dụng cây thuốc để chữa những bệnh thông thường.
Năm 2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Chỉ thị 24 “Về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, đề cập đến nhiều vấn đề, đồng thời đưa ra 9 nhiệm vụ và giải pháp nhằm phát triển nền Đông y Việt Nam, Hội Đông y Việt Nam phát huy tiềm năng của cây thuốc bản địa trong việc chữa bệnh cho người dân. Phát triển nguồn dược liệu, nâng cao hiểu biết về nuôi trồng và sử dụng dược liệu là rất quan trọng.
Bài thuốc gia truyền chữa bệnh thận đã đưa một nông dân nghèo ở huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) trở thành bà chủ công ty dược liệu nổi tiếng - Ảnh: Y.LAN |
* Theo ông, hoạt động thừa kế những bài thuốc hay có vai trò như thế nào trong việc chăm sóc sức khỏe người dân, nhất làở vùng sâu vùng xa?
- Theo thống kê của Bộ Y tế, tỉ lệ khám chữa bệnh bằng Đông y chiếm 30% trong tổng số lượng khám chữa bệnh. Đông y có vai trò rất lớn, rất quan trọng. Chỉ thị 24 cũng nêu rõ: Hội Đông y có vai trò nòng cốt trong phát triển nền Đông y Việt Nam. Đặc điểm của Hội Đông y là hội viên chủ yếu hoạt động ở cơ sở, gần gũi với các tầng lớp nhân dân lao động, những người có thu nhập thấp. Vì vậy, việc thừa kế, sử dụng những cây thuốc, bài thuốc để chữa bệnh cho dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa, rất quan trọng. Hội viên Hội Đông y là những người trực tiếp điều trị và góp phần rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân.
* Ông nói gì về việc người dân truyền nhau những bài thuốc mà họ cho rằng có hiệu quả qua thực tiễn, qua trải nghiệm của chính mình nhưng chưa được khoa học kiểm chứng?
- Trong Đông y, một số bài thuốc dân gian đã được thừa nhận ở một vùng nào đó, một dân tộc nào đó, hoặc một cộng đồng nào đó đã trải nghiệm bài thuốc này. Có thể trong y văn hoặc nghiên cứu chưa đề cập đến, nhưng trong thực tiễn chữa bệnh, người ta đã đề cập đến những bài thuốc dân gian đó rồi. Hoặc những bài thuốc gia truyền, hiện nay chúng ta rất tôn trọng; một số bài thuốc đã được đi sâu nghiên cứu, phát triển.
* Xin cảm ơn ông!
YÊN LAN (thực hiện)