Thứ Hai, 14/10/2024 02:16 SA
Bệnh do não mô cầu
Thứ Hai, 07/03/2016 11:35 SA

Hỏi: Tôi mới biết thông tin có ca bệnh tử vong do não mô cầu ở Hải Dương. Đây có phải là một bệnh nhiễm trùng mới hay không, hiện đã có cách phòng bệnh chưa, thưa bác sĩ?

 

Nguyễn Văn Tín

(xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa)

 

Trả lời: Não mô cầu, màng não cầu (tên khoa học: Neisseria meningitidis), đã được Anton Weichselbaum (nhà khoa học người Áo) phân lập từ năm 1887. Các vụ đại dịch liên quan đến não mô cầu cũng đã được mô tả từ thế kỷ XIX. Năm 1937, kháng sinh Sulfamide bắt đầu được sử dụng để điều trị các nhiễm trùng do não mô cầu. Hiện tượng kháng kháng sinh phát sinh từ năm 1960.

 

Nhiễm trùng do não mô cầu là loại bệnh nặng, có thể tử vong. Ngay cả trong những trường hợp được điều trị sớm, tỉ lệ tử vong cũng từ 10-15%. Vi trùng gây nhiễm trùng máu, não, tủy sống, và là một trong những nguyên nhân gây viêm màng não nặng.

 

Bệnh xảy ra khắp thế giới, có thể là những ca bệnh lẻ tẻ hoặc có thể phát sinh thành những vụ dịch nhỏ hoặc đại dịch. Tại Việt Nam những năm gần đây, trung bình mỗi năm ghi nhận vài trăm ca bệnh.

 

Vi khuẩn lây từ người sang người qua đường hô hấp, dùng chung dụng cụ ăn uống, khăn mặt; ở, làm việc chung phòng với người mang mầm bệnh; chăm sóc người bệnh… là những điều kiện thuận lợi cho sự lây nhiễm bệnh.

 

Não mô cầu có thể cư trú bình thường ở vùng hầu họng người khỏe mạnh. Ước tính khoảng 10-20% người có mang trùng lành tính, tỉ lệ này có thể cao hơn ở những vùng có dịch. Bệnh xảy ra nhiều ở trẻ em cho đến thanh thiếu niên. Khoảng 10-20% những người hồi phục bị di chứng điếc, suy giảm khả năng học tập. Bệnh cảnh nặng nhất là nhiễm trùng huyết do não mô cầu, biểu hiện là các nốt tử ban trên da và suy tuần hoàn.

 

Hiện đã có vắc xin phòng ngừa từ loại đơn giá đến đa giá: A; C; B; A C và W; A, C, W135 và Y. Sử dụng loại nào tùy thuộc vào týp gây nhiễm trùng phổ biến tại địa phương, ví dụ vắc xin nhóm A được sử dụng ở châu Phi, nhóm B ở Cuba, New Zealand, Na Uy, vắc xin A, C, W135 và Y sử dụng ở Mỹ, Canada và châu Âu. Việt Nam đang lưu hành loại vắc xin kết hợp týp A và C, 2 týp được cho là gây bệnh chủ yếu ở châu Á.

 

Trong vùng dịch, những người tiếp xúc thật gần gũi với người bệnh có thể được cho uống kháng sinh dự phòng trong 2 ngày. Chỉ định tiêm phòng vắc xin hay uống kháng sinh phòng ngừa, tùy các tình huống dịch tễ cụ thể tại từng ổ dịch.

 

BS ĐOÀN VĂN HẢI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek