Từ ngày 1/3, Thông tư liên tịch 37 của các bộ Y tế - Tài chính về điều chỉnh mức giá viện phí có hiệu lực. Sau gần một tuần triển khai mức thu giá dịch vụ y tế mới, tại các bệnh viện trong tỉnh, phần lớn người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân chưa có thắc mắc. Tuy nhiên, ai cũng mong muốn chất lượng khám chữa bệnh phải tốt hơn.
NGƯỜI BỆNH ÍT CHỊU TÁC ĐỘNG
Ngày 4/3, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, ghi nhận ý kiến của người dân có BHYT về việc tăng giá dịch vụ y tế. Tại đây, rất nhiều người có BHYT chưa biết về việc tăng giá các dịch vụ y tế mới.
Ông Lê Văn Hòa ở phường 5 (TP Tuy Hòa) đến khám bệnh liên quan đến phổi, cho biết: “Tôi có nghe là tăng giá dịch vụ y tế nhưng tôi không quan tâm lắm. Tôi khám bệnh có BHYT và thấy không tăng thêm tiền”. Còn ông Hồ Thế Nam (phường 4, TP Tuy Hòa) đi tái khám bệnh viêm khớp, cho hay: “Viện phí có tăng thì chúng tôi cũng phải chấp nhận vì đến bệnh viện có mấy khi người bệnh hỏi giá, trả giá đâu”. Đối với bà Lê Thị Hồng (phường 1, TP Tuy Hòa) thì khác. Bà Hồng đọc báo và biết thông tin, cho rằng: “Gia đình tôi đều biết tăng giá dịch vụ y tế từ ngày 1/3 nhưng không phàn nàn gì hết mà chỉ mong muốn bệnh viện tăng phí dịch vụ thì chất lượng điều trị cũng phải tốt hơn, như vậy mới công bằng”.
Bác sĩ Phạm Hiếu Vinh, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Những ngày qua, hoạt động thu phí ở bệnh viện chưa có sự biến động gì lớn. Giá khám bệnh từ 12.000 lên 15.000 đồng/trường hợp nhưng chỉ đối với bệnh nhân có thẻ BHYT, còn lại vẫn áp dụng mức cũ là 12.000 đồng/trường hợp nên người đến khám không có ý kiến phàn nàn về giá. Với những người bệnh nằm điều trị nội trú thì phần lớn bệnh nhân nằm viện trước ngày 1/3 đến nay vẫn áp dụng giá cũ, còn bệnh nhân nhập viện từ ngày 1/3 thì chưa xuất viện. Bệnh nhân có BHYT sẽ đóng cao thêm ở phần đồng chi trả”.
Theo phân tích của các chuyên gia ngành Y tế, khi thực hiện điều chỉnh giá viện phí theo thông tư liên tịch, người bệnh có BHYT được lợi ích nhiều hơn. Người bệnh được coi trọng, đặt đúng vị trí là người trả tiền cho các dịch vụ, còn bệnh viện là người phục vụ nên chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Đặc biệt giá viện phí tiến tới tính đúng, tính đủ chi phí, người bệnh có BHYT sẽ được chi trả những chi phí ấy.
PHẢI NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ
Đợt tăng phí dịch vụ này góp phần thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận và định hướng của tất cả bệnh viện trong ngành Y tế. Theo đó, tất cả bệnh viện phải thấy rằng chỉ có nâng cao chất lượng mới có bệnh nhân.
Tại hội nghị triển khai Thông tư liên tịch 37, lãnh đạo Sở Y tế cho rằng trước đây, kinh phí tính theo giường bệnh, có bao nhiêu giường thì nhân lên được số kinh phí cấp, chứ không theo công suất sử dụng giường bệnh. Giờ giá viện phí tính đủ, Nhà nước không cấp nữa, ngân sách bệnh viện thu từ phí dịch vụ do người bệnh và Quỹ BHYT chi trả. Có thực hiện dịch vụ mới có tiền thu về, muốn thế, bệnh viện phải có người bệnh. Người bệnh không đến thì không có thu, nên bắt buộc các bệnh viện phải phấn đấu để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Theo bác sĩ Phạm Hiếu Vinh, việc tăng giá này sẽ giúp bệnh viện có thêm kinh phí để mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất, xét nghiệm với chất lượng cao, đồng thời tạo sự cạnh tranh giữa các bệnh viện trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và tinh thần, thái độ phục vụ… nhằm thu hút, giữ chân người bệnh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã và đang từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ trong điều trị.
Còn bác sĩ Dương Tấn Thịnh, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, cho rằng với việc tăng giá dịch vụ, thời gian qua, bệnh viện đã chuẩn bị nhiều mặt như nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, triển khai nhiều kỹ thuật mới tiên tiến. Cùng với đó, bệnh viện chú trọng đến khâu giao tiếp, phục vụ người bệnh tận tâm của đội ngũ y, bác sĩ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh.
VŨ HOÀNG