Chương trình tiêm chủng mở rộng là một trong những biện pháp dự phòng an toàn nhất, hiệu quả nhất để dự phòng tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nội dung này được đưa ra trong các báo cáo tại hội thảo “Vắcxin Việt Nam - Phát triển và hội nhập”, do Bộ Y tế tổ chức ngày 22/12 tại Hà Nội.
Trong nhiều năm qua, các nước trên thế giới đã lồng ghép Chương trình tiêm chủng mở rộng vào các can thiệp y tế công cộng. Việc tiếp tục nghiên cứu, phát minh và phát triển các vắcxin mới đã giúp cho tiêm chủng ngày càng trở nên hiệu quả trong việc dự phòng mắc bệnh và tử vong, chủ yếu ở trẻ em.
Trên thực tế, những vắcxin sẵn có hiện nay ngày càng tăng lên để dự phòng các bệnh nhiễm trùng cho trẻ em, trẻ vị thành niên, người trưởng thành.
Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai trên phạm vi toàn quốc tại Việt Nam từ năm 1985. Sau 30 năm, chương trình đã đạt được nhiều thành tựu. Ước tính nhờ triển khai tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã dự phòng khoảng 6,7 triệu trẻ em khỏi 5 bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng vắcxin (uốn ván sơ sinh, sởi, bạch hầu, ho gà, bại liệt) và phòng 42.900 ca tử vong do các căn bệnh này.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đã đạt được thành tựu lớn trong nghiên cứu và sản xuất vắcxin; đặc biệt đã sản xuất được 10/11 loại vắcxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhờ vậy, Việt Nam chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong suốt thời gian qua đồng thời làm thay đổi căn bản mô hình bệnh tật của Việt Nam.
Chương trình sản phẩm quốc gia vắcxin phòng bệnh cho người được triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; gồm 6 dự án khoa học: “Nghiên cứu phát triển sản phẩm vắcxin viêm não Nhật Bản trên tế bào Vero”; “Nghiên cứu phát triển sản phẩm vắcxin Hib cộng hợp"; "Nghiên cứu phát triển sản phẩm vắcxin bại liệt bất hoạt;" "Nghiên cứu phát triển sản phẩm vắcxin DPT có thành phần ho gà vô bào;" "Nghiên cứu phát triển sản phẩm vắcxin cúm mùa" và "Nghiên cứu phát triển sản phẩm vắcxin thương hàn vi cộng hợp".
Năm 2015, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận đạt chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý vắcxin (NRA). Như vậy, Việt Nam đã sản xuất vắcxin theo quy chuẩn quốc tế và được quốc tế thừa nhận.
Tuy nhiên, khả năng xuất khẩu và hội nhập của vắcxin trong nước hiện chưa đạt được như mong muốn. Vì vậy, Bộ Y tế tổ chức hội thảo nhằm thảo luận về tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất vắcxin đồng thời chia sẻ đánh giá về trình độ công nghệ trong sản xuất vắcxin phục vụ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận những nội dung chính như: vai trò của khoa học, công nghệ đối với sản phẩm thương mại Việt Nam; tác động về sức khỏe, kinh tế và xã hội của tiêm chủng vắcxin phòng bệnh; đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắcxin bại liệt bất hoạt...
Theo TTXVN/Vietnam+