Các đợt chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)/KHHGĐ năm 2015 (sau đây gọi là chiến dịch) đã diễn ra thành công với nhiều mục tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tại chiến dịch, hàng chục ngàn người trên toàn tỉnh thụ hưởng nhiều hoạt động tư vấn và chăm sóc SKSS. Đáng mừng hơn, nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giống nòi đã được triển khai đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh.
HÀNG CHỤC NGÀN NGƯỜI ĐƯỢC CHĂM SÓC SKSS
Theo Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, tại các đợt chiến dịch năm 2015, hàng chục ngàn người đã thực hiện các biện pháp KHHGĐ và chăm sóc SKSS. Ở các gói dịch vụ chủ yếu cung cấp tại chiến dịch đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Theo đó, ở gói dịch vụ KHHGĐ, gần 50.000 người áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại (dụng cụ tử cung, đình sản, bao cao su, viên uống tránh thai…). Ở gói dịch vụ làm mẹ an toàn, gần 7.400 lượt bà mẹ được khám thai và hơn 3.500 thai phụ được cấp viên sắt. Ở gói phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản, hơn 34.600 lượt phụ nữ được khám phụ khoa và 36% trong số đó phát hiện bị mắc bệnh và được điều trị. |
Ông Đỗ Kim Ở, Phó giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đông Hòa, cho biết: “Ngành Dân số huyện Đông Hòa đạt và vượt các chỉ tiêu, kể cả chỉ tiêu khó như đình sản là nhờ chú trọng đến việc đi cơ sở, lãnh đạo trung tâm trực tiếp tham dự tất cả cuộc họp triển khai chiến dịch tại các xã, thị trấn. Các trưởng ban dân số cấp xã và trưởng thôn đều vào cuộc vận động hỗ trợ kinh phí và tham gia công tác tuyên truyền. Hơn hết chính là đội ngũ cộng tác viên nhiệt tình, năng nổ, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động người dân tham gia chiến dịch”.
Đáng chú ý trong năm 2015, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã làm tốt công tác phối hợp để triển khai các dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS đến người dân. Trong đó, dịch vụ tầm soát ung thư cổ tử cung đã làm xét nghiệm cho hơn 12.300 lượt người, phát hiện 19 ca nhiễm HPV dương tính (nguy cơ cao mắc bệnh ung thư). Từ dịch vụ sàng lọc trước sinh cho 174 bà mẹ mang thai, 7 trường hợp được phát hiện có nguy cơ cao là bào thai bị dị tật bẩm sinh. Với 631 trường hợp tham gia chương trình sàng lọc sơ sinh, 4 trường hợp bị dị tật bẩm sinh đã được phát hiện.
Chị Nguyễn Thị Mỹ (xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa), chia sẻ: “Hầu hết bà mẹ mang thai trong xóm tôi đều tham gia chiến dịch để làm xét nghiệm sàng lọc trước sinh. Chúng tôi biết thêm nhiều kiến thức, kỹ năng trong việc chăm lo sức khỏe cho mẹ và con. Mong rằng chiến dịch được tổ chức thường xuyên hơn để phụ nữ nông thôn có thêm nhiều cơ hội chăm lo SKSS”.
ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHIẾN DỊCH
Các hoạt động tư vấn và dịch vụ cung cấp tại chiến dịch đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của phụ nữ về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, đặc biệt là các chị ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Quan trọng hơn là họ tin tưởng vào chiến dịch. Vì vậy, vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ tại các đợt chiến dịch luôn là mục tiêu hàng đầu mà Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đặt ra. Các hoạt động khám sức khỏe cho người cao tuổi, khám sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến đối tượng trẻ và vị thành niên, thanh niên… sẽ là những nội dung được đẩy mạnh tuyên truyền và được cung cấp dịch vụ trong các đợt chiến dịch. Đây là những nội dung quan trọng trong dự án Nâng cao chất lượng giống nòi mà ngành Dân số Phú Yên đang hướng tới.
Ông Nguyễn Ngọc Nha, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, cho rằng: Các trang thiết bị y tế như: Máy soi cổ tử cung, máy đốt điện, máy siêu âm xách tay, kính hiển vi xét nghiệm... là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS. Đơn vị nào sử dụng hiệu quả các trang thiết bị này sẽ thu hút đông đảo người dân đến với chiến dịch. Các đơn vị y tế tuyến huyện nên quan tâm đến vấn đề này. “Hiện nay, trường hợp thất bại trong kỹ thuật đặt dụng cụ tử cung trong chiến dịch vẫn còn. Để hạn chế tối đa rủi ro này, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên yêu cầu các đơn vị nghiêm túc tìm hiểu nguyên nhân, phối hợp tốt hơn nữa về chuyên môn kỹ thuật. Chi cục cũng tăng cường công tác tập huấn nâng cao tay nghề cho nhân viên y tế cơ sở về kỹ thuật đặt dụng cụ tử cung”, ông Nguyễn Ngọc Nha cho biết thêm.
Thực tế, những địa phương đạt kết quả cao trong các đợt chiến dịch vừa qua đều có sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư kinh phí từ UBND các cấp. Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác tham mưu cho cấp trên, sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vẫn là giải pháp phát huy hiệu quả đối với các địa phương chưa đạt các mục tiêu trong chiến dịch.
DIỆU ANH