Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với sức khỏe cũng như tính mạng người mắc bệnh. Tiến tới thanh toán bệnh nhân lao là mục tiêu lớn, đòi hỏi không chỉ ngành Y tế mà cần có sự chung tay của toàn xã hội với quyết tâm cao. Nhân Ngày Thế giới chống lao (24/3), Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với bác sĩ Hoàng Khắc Linh, Trưởng trạm Chuyên khoa Lao Phú Yên xung quanh vấn đề này.
Đoàn viên thanh niên phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống lao trên địa bàn TP Tuy Hòa - Ảnh: V.HOÀNG |
* Bác sĩ có thể cho biết, tình hình mắc lao và khó khăn trong điều trị hiện nay ở Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng là gì?
- Việt Nam là nước có bệnh lao đứng thứ 12 trong những nước có dịch tễ bệnh lao cao trên thế giới, mỗi năm có 100.000 người mắc mới và 18.000 người chết do lao. Điều đó chứng tỏ rằng, bệnh lao còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và số người mắc bệnh lao còn tiềm ẩn trong cộng đồng rất nhiều.
Những năm qua, chương trình chống lao Việt Nam đạt được nhiều thành quả, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao. Cụ thể như, tỉ lệ phát hiện đạt 75% tổng số bệnh nhân lao có trong cộng đồng; tỉ lệ điều trị khỏi đạt cao hơn 90%; bệnh lao đang có xu hướng giảm chậm (giảm 2,6%/năm), bệnh dịch lao được khống chế. Tuy nhiên, Chương trình phòng chống lao quốc gia cũng gặp những thách thức lớn. Điển hình như tình trạng gia tăng của lao/HIV và lao đa kháng thuốc; tình trạng cắt giảm nguồn kinh phí từ các nguồn đã và đang là rào cản cho công tác thanh toán bệnh lao.
Ở Phú Yên, hàng năm, toàn tỉnh phát hiện lao mới các thể từ 870 đến 900 bệnh nhân, điều trị khỏi luôn duy trì ở mức cao 93%. Từ đầu năm 2014, các tuyến y tế trong tỉnh đã thực hiện điều trị phác đồ 6 tháng; thường xuyên giám sát bệnh nhân trong quá trình điều trị đúng quy định của Bệnh viện Phổi Trung ương - Dự án Phòng chống lao quy định. Bên cạnh đó, Trạm Chuyên khoa Lao đã phối hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thực hiện quy chế phối hợp lao/HIV, qua đó hàng năm thực hiện test HIV để phát hiện HIV cho 700 bệnh nhân lao; khám lao cho 130 người HIV/AIDS; phối hợp với Trại giam Xuân Phước và cơ sở giáo dục bắt buộc A1 Hòa Phong khám sàng lọc đầu vào cho 500 phạm nhân và khám sàng lọc định kỳ cho 1.500 phạm nhân.
Hiện nay, Chương trình phòng chống lao Phú Yên chưa có cơ sở để thực hiện phát hiện và quản lý bệnh nhân lao kháng thuốc nên các bệnh nhân có biểu hiện kháng thuốc trên lâm sàng và xét nghiệm (+) sau điều trị thì chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện ngoài tỉnh, do đó gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý điều trị. Cùng với đó, những năm gần đây, do kinh phí hạn hẹp, nên công tác truyền thông giảm rất nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của chương trình phòng chống lao.
* Chính phủ đã có quyết định can thiệp vào công tác phòng chống lao. Đâu là những nội dung chính cần chú ý, thưa bác sĩ?
- Ngày 17/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 374/QĐ-TTg về phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”. Quan điểm của Chính phủ là bệnh lao nguy hiểm đối với sức khỏe, tính mạng con người, với nguy cơ lây lan lớn; bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng, đủ thời gian. Vì vậy, phòng chống lao là nhiệm vụ quan trọng lâu dài của cả hệ thống chính trị. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống lao.
Mục tiêu của chiến lược đặt ra là đến hết năm 2015, giảm số người mắc dưới 187 người/100.000 dân; giảm chết do lao dưới 18 người/100.000 dân; tỉ lệ mắc lao đa kháng thuốc dưới 5% trong tổng số bệnh nhân lao mới; hết năm 2020, giảm người mắc lao xuống dưới 131/100.000 dân; giảm chết dưới 10 người/100.000 dân; khống chế mắc lao kháng thuốc dưới 5% số bệnh nhân mới. Tầm nhìn năm 2030 là tiếp tục giảm số người chết do lao xuống dưới 20 người/100.000 dân, hướng tới Việt Nam có môi trường không còn bệnh lao.
Sự quan tâm của Chính phủ, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị bệnh lao; sự quyết tâm, nỗ lực, của ngành Y tế, các ban, ngành, đoàn thể thì Chiến lược phòng, chống lao quốc gia nhất định thành công; môi trường Việt Nam sẽ không còn bệnh lao.
* Với Phú Yên, kế hoạch phòng chống lao trong thời gian tới như thế nào?
- Ở Phú Yên, do nguồn nhân lực, vật lực còn thấp nên chưa được triển khai, đầu tư thực hiện các vấn đề của dự án Phòng chống lao như: Lao kháng thuốc; phối hợp y tế công tư trong chẩn đoán điều trị lao; trang thiết bị hiện đại để đáp ứng chẩn đoán lao nhanh, chính xác, chẩn đoán lao kháng thuốc.
Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phòng chống lao giai đoạn 2016-2020. Ước tính đến năm 2020, lao mới mắc trong cộng đồng là 117 người/100.000 dân (khoảng 1.080 bệnh nhân mới); phát hiện lao mới các thể là 88 bệnh nhân/100.000 dân (tương đương 790 bệnh nhân), duy trì tỉ lệ điều trị khỏi 92%, khống chế lao kháng đa thuốc dưới 5% trong tổng số bệnh lao mới phát hiện. Qua đó, Phú Yên phấn đấu thực hiện 4 mục tiêu: Đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng chống lao; tăng cường và nâng cao chất lượng dịch vụ chống lao công, tư toàn diện, ứng dụng tối đa các kỹ thuật chẩn đoán lao mới và hiện hành; duy trì và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng và điều trị bệnh lao và lao kháng thuốc công và tư lập, ứng dụng tối ưu các thuốc và phác đồ điều trị mới và hiện hành; duy trì và tăng cường theo dõi, giám sát các hoạt động phòng chống lao, điều tra tình hình dịch tễ bệnh lao, nghiên cứu, đánh giá các can thiệp mới và hiện hành trong công tác phòng chống lao.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
VŨ HOÀNG (thực hiện)