Do sức khỏe yếu, khả năng thích nghi kém nên người cao tuổi rất dễ viêm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí viêm phổi cấp tính.
Khi tuổi càng cao thì càng có sự lão hóa về phổi (cả về khối lượng và thể tích), phổi ít di động hoặc di động kém càng dễ mắc bệnh về hô hấp. Tác nhân gây viêm phổi ở người cao tuổi là do vi sinh vật (vi khuẩn, virút, vi nấm), hoặc do khói bụi (môi trường ô nhiễm, khói bếp, thuốc lá, thuốc lào) hoặc ít vận động, nằm lâu do liệt hoặc kết hợp các loại tác nhân.
Tất cả yếu tố đó, nếu có sự thay đổi đột ngột về thời tiết, nhất là vào giữa hoặc cuối mùa xuân thì bệnh càng dễ xuất hiện ở người cao tuổi. Viêm phổi người cao tuổi khác với người trẻ tuổi, nhiều trường hợp chỉ viêm họng, mũi cũng rất dễ dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi.
Một số trường hợp người cao tuổi mắc một số bệnh mạn tính đường hô hấp (bệnh giãn phế quản, khí phế thũng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc hen suyễn), khi sức đề kháng của cơ thể giảm xuống, gặp thời tiết thay đổi đột ngột thì bệnh bùng phát thành bệnh viêm phổi, thậm chí viêm phổi cấp tính. Viêm phổi ở người cao tuổi có dấu hiệu lâm sàng rất khác so với người trẻ tuổi. Nhiều khi người bệnh không sốt cao, thậm chí không sốt, nhất là người cao tuổi có tuổi cao, sức yếu, lú lẫn, ít vận động hoặc đi lại khó khăn, ăn uống thất thường.
Một số triệu chứng điển hình khi người cao tuổi bị viêm phế quản, viêm phổi là thở nhanh nông, đôi khi có thở rít, cánh mũi phập phồng (do thiếu dưỡng khí). Triệu chứng ho là hay gặp nhất, đặc biệt là ở những người có bệnh mạn tính về đường hô hấp (viêm họng mạn tính, giãn phế quản, hen suyễn, COPD). Ho thường có đờm lỏng hoặc đặc quánh, một số trường hợp có dính một ít máu do mao mạch bị vỡ ra. Tuy vậy, có một số ít trường hợp không ho. Đa số đều có tức ngực, khó thở nhẹ. Người bệnh thường có dấu hiệu mất nước thể hiện môi khô, lưỡi trắng (bẩn), má hóp, da nhăn nheo.
Khi người cao tuổi nghi ngờ bị viêm long đường hô hấp trên hoặc viêm phổi cần được khám bệnh một cách toàn diện để xác định nguyên nhân. Đối với người mắc viêm phổi, việc điều trị dùng thuốc rất khó khăn, nhất là viêm phổi do virút. Vì vậy, cần dùng thuốc gì, dùng trong bao lâu, liều lượng như thế nào là do bác sĩ khám bệnh kê đơn và tư vấn.
Ngoài ra, người cao tuổi không nên làm việc quá sức; tránh để cơ thể nhiễm lạnh bất kể mùa nào trong năm; không bất chợt ra nơi lộng gió và không tắm nước lạnh nhất là khi người đang ra nhiều mồ hôi; cẩn thận khi phải ra vào những nơi có máy điều hòa nhiệt độ (để không bị nóng, lạnh đột ngột). Những hôm lạnh, ẩm, gió nhiều, người cao tuổi nên hạn chế tối đa đi ra khỏi nhà; cần sống trong bầu không khí trong lành ít khói, bụi. Hàng ngày, cần uống đủ lượng nước cần thiết (1,5-2 lít), ăn thêm rau xanh trong các bữa ăn và tăng cường ăn trái cây hàng ngày; nên tập thở đúng phương pháp.
(SKĐS)