Thứ Tư, 27/11/2024 19:31 CH
Mụt nhọt
Thứ Hai, 12/01/2015 11:18 SA

Hỏi: Em thường bị mụt nhọt ở vùng mông, gáy, rất đau, đã có đi khám, uống thuốc, nhưng cứ bị hết mụt này đến mụt khác. Tại sao như vậy, có cần điều trị thêm gì khác, thưa bác sĩ?

 

Trần Thị Thúy Nga (Phường 9, TP Tuy Hòa)

 

Trả lời: Bình thường trên da có nhiều tạp khuẩn. Những vùng da nhiều mồ hôi, chất bã nhờn, cũng là nơiđể vi khuẩn xâm nhập vào da. Trong những điều kiện thuận lợi như cơ thể suy yếu, vệ sinh kém, da bị trầy xước… vi khuẩn trên da tăng sinh, tăng độc tố gây bệnh gọi chung là viêm da mủ.  

 

Viêm da mủ thường do vi khuẩn tụ cầu, biểu hiện bằng những mụn mủ tại lỗ chân lông, rải rác hoặc thành cụm. Đa số chỉ cần bôi tại chỗ bằng các dung dịch sát trùng: cồn I ốt 1-3%, xanh methylen 1%, mỡ kháng sinh, nếu nặng cho uống thêm thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ; tránh chà xát mạnh làm vỡ mủ, lan mủ ra vùng da lân cận.

 

Dạng nặng của viêm nang lông là đinh nhọt: mụn lớn, cộm cứng, đau, sau 1 đến 2 tuần mềm nhũn, có thể tự vỡ mủ hoặc nặn ra nhiều mủ có ngòi. Vị trí hay gặp đinh nhọt là ở gáy, lưng, mông, các chi. Nếu đinh nhọt to có thể kèm theo sốt, nổi hạch ở vùng gần nhọt.

 

Nhọt “hậu bối” còn gọi là đinhhương sen, nhọt tổ ong là một cụm đinh nhọt, thường gặp ở vùng gáy giữa hai bả vai, mông, xương cùng. Bệnh do tụ cầu có độc tính cao, gây viêm lan sâu rộng, làm hoại tử cả một vùng. Bệnh nhân yếu mệt, sốt cao có triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng. Tại chỗ bị sưng nề, đỏ tím có nhiều mủ, nhiều ngòi, lỗ chỗ như tổ ong, có thể dẫn tới nhiễm khuẩn huyết, ở mông và xương cùng gây hoại tửhoặc loét, có khi chạm vào mạch máu to làm chảy máu ồ ạt.

 

Nhọt bầy là nhiều đinh nhọt mọc liên tiếp đợt này đến đợt khác, dai dẳng hàng tháng. Trường hợp này thường gặp ởngười suy nhược, tuổi dậy thì, hoặc bệnh nhân đái đường.

 

Đối với đinh nhọt, không nên nặn chích sớm. Khi mới nổi sưng đỏ, cứng: chấm cồn I ốt3-5%, dầu mù u. Khi nhọt đã vỡ mủ, cần nặn hết ngòi ra, chấm thuốc màu hoặc bôi mỡ kháng sinh, có thể cho uống hoặc tiêm một đợt kháng sinh. Đối với đinh râu (nhọt vùng quanh môi, cằm), tuyệt đối tránh chích nặn; bôi cồn iod 3%; kịp thời tiêm hoặc uống thuốc kháng sinh liều cao, viatmin, thuốc giảm đau.

 

Nhiều trường hợp đinh nhọt tái đi tái lại không rõ nguyên nhân, có thể ở những giai đoạn sinh lý nhất định, sức đề kháng chung của cơ thể suy giảm làm vi khuẩn dễ gây bệnh. Ngoài điều trị đặc hiệu như kể trên, chú ý nâng cao thể trạng bằng ăn uống cân bằng dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, sinh hoạt học tập điều độ, hạn chế các chất kích thích: thuốc lá, cà phê, rượu bia.

 

BS ĐOÀN VĂN HẢI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek