Dịch hạch là bệnh của loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột). Bệnh lan truyền trực tiếp từ loài gặm nhấm sang người, chủ yếu qua bọ chét, chuột loài Xenopsylla cheopis, đây là véc tơ chính truyền bệnh dịch hạch. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có loài Pulex irritans và một số loài thuộc giống Xenopsylla có khả năng truyền bệnh dịch hạch. Bệnh diễn biến nặng, tử vong cao, dễ phát thành dịch lớn, lây lan rộng.
Thời kỳ ủ bệnh của bệnh dịch hạch từ 1 đến 6 ngày, bệnh dịch hạch thể phổi tiên phát thường có thời kỳ ủ bệnh ngắn hơn, từ 2 đến 4 ngày. Bệnh dịch hạch ở người gồm các thể bệnh: thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi và thể màng não, thường gặp hơn cả là thể hạch (chiếm hơn 90% các thể bệnh).
- Thể hạch: khởi phát đột ngột, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, đau bụng, buồn nôn và đau đầu. Sau đó, bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát với các triệu chứng đặc trưng là nhiễm khuẩn, nhiễm độc và sưng hạch.
- Thể nhiễm khuẩn huyết: Thể hạch rất dễ tiến triển đột ngột thành nhiễm khuẩn tối cấp với sốt cao 40 đến 410c, tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc, huyết áp giảm, mạch nhanh, nhỏ, vật vã, rối loạn tinh thần, hôn mê, thường bệnh nhân chết trong vòng 3 đến 5 ngày nếu không được điều trị sớm.
- Thể phổi: Dịch hạch thể phổi thứ phát rất nguy hiểm, qua đường hô hấp có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành dẫn đến dịch thể phổi tiên phát và bùng nổ thành dịch lớn. Dịch hạch thể phổi thứ phát thường gặp sau thể hạch không được điều trị kịp thời. Bệnh nhân có dấu hiệu ở phổi cho đến ngày cuối cùng của bệnh, đờm loãng có bọt dính máu, thường xuất hiện tràn dịch màng phổi, có biến chứng phù phổi cấp, tỉ lệ tử vong cao.
- Thể màng não: Luôn thứ phát sau thể hạch và nhiễm khuẩn huyết (rất hiếm gặp).
Ở những địa phương có dịch hạch lưu hành và những vùng có nguy cơ khi chưa có dịch phải thường xuyên theo dõi kết quả giám sát dịch tễ học dịch hạch để chủ động phòng chống bệnh dịch; tập huấn phòng chống dịch hạch cho tuyến cơ sở, mạng lưới cộng tác viên; tuyên truyền giáo dục cộng đồng thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, bố trí và sắp xếp vị trí cũng như cấu trúc nhà ở và kho tàng hợp lý, quản lý lương thực, thực phẩm, nuôi mèo, đặt bẫy, phá vỡ hang tổ chuột, khống chế, phá hủy nơi sinh sản của chuột, bọ chét, khi thấy chuột chết bất thường phải khai báo ngay với y tế cơ sở. Các hiện tượng sốt, nổi hạch phải đến cơ sở y tế để khám và điều trị; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc điều trị, hóa chất, phương tiện, nhân lực phục vụ chống dịch.
BS ĐOÀN HÙNG ÁNH
Giám đốc Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa