Phó giáo sư Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng đánh giá hiện nay khẩu phần ăn của người Việt chưa đáp ứng nhu cầu về canxi. Người Việt Nam đang rơi vào tình trạng thiếu canxi trường diễn trong mỗi ngày. Trong khi đó, dinh dưỡng canxi trong khẩu phần ăn là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến loãng xương.
Khuyến nghị nhu cầu canxi theo tuổi của người Việt Nam: Từ 0 đến 6 tháng: 300mg Từ 7 đến 12 tháng 400 mg Từ 1 đến 3 tuổi: 500mg Từ 4 đến 8 tuổi: 600/700-800mg Từ 9 đến 18 tuổi: 1.000-1.300mg Từ 19 đến 50 tuổi: 1.000mg Trên 50 tuổi: 1.300-1.200mg |
Những thông tin trên được phó giáo sư Lê Bạch Mai đưa ra tại hội thảo Giải pháp dinh dưỡng phòng chống loãng xương, do Viện Nghiên cứu y - xã hội học vừa tổ chức tại Hà Nội.
Nguy cơ loãng xương tăng cao
Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y-Xã hội học cho hay, việc thiếu canxi trong khẩu phần ăn sẽ khiến nguy cơ loãng xương tăng cao. Loãng xương là một trong các bệnh phổ biến nhất trên toàn cầu và đang tồn tại như một vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và đặc biệt là đối với phụ nữ.
Tại Việt Nam, có khoảng 25% phụ nữ 50 tuổi trở lên loãng xương ở cổ xương đùi; gần 50% bị loãng xương ở cột sống thắt lưng. Tỉ lệ này thấp hơn Hongkong, nhưng cao hơn nhiều Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia…
Theo bà Mai, kết quả qua 4 cuộc tổng điều tra về thực trạng dinh dưỡng của người Việt Nam do Viện trưởng Viện dinh dưỡng tiến hành cho thấy, sau gần 30 năm khẩu phần năng lượng của người Việt Nam thay đổi tỉ lệ năng lượng chứa protein tăng khá nhanh chóng từ 11-15%. Tuy nhiên, trong 25 năm qua, khẩu phần ăn chứa canxi vẫn không thay đổi, vẫn ở mức hơn 500mg/người/ngày, mới chỉ đáp ứng nhu cầu từ 57-64% nhu cầu canxi của mỗi người trong một ngày.
Đề cập đến tác động của dinh dưỡng và loãng xương, tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Trung tâm dinh dưỡng và sức khỏe do Viện Nghiên cứu y - xã hội học phân tích, loãng xương gây ra bởi sự mất khối lượng xương của cơ thể dẫn đến tình trạng xương yếu hơn bình thường. Với sự yếu đi này, những người bị loãng xương có nguy cơ bị gãy xương khi bị ngã. Việc thiếu canxi kéo dài sẽ làm cho cơ thể bị rối loạn khoáng hóa tại xương, thậm chí có trường hợp còn bị còi xương, co cứng cơ, co giật các cơ...
Những nghiên cứu đã chỉ ra, trên 25% các trường hợp gãy xương chậu sẽ tử vong trong năm đầu và có 25 % các trường hợp gãy xương sẽ không quay lại được về vận động như trước khi gãy xương. Về lâu dài, tiến sĩ Sơn cảnh báo, loãng xương có thể làm những người ở độ tuổi từ 60 tuổi trở đi lùn đi khoảng 15cm và sử dụng các loại thuốc điều trị với chi phí cao.
Điều chỉnh khẩu phần ăn hàng ngày
Theo các chuyên gia, từ khoảng 30 tuổi, khối lượng xương ở cả nam và nữa giới đều bắt đầu giảm. Đặc biệt, ở nữ giới giảm nhanh sau khi mãn kinh. Vì vậy, mỗi người cần có chế độ ăn uống hợp lý và lối sống phù hợp để quá trình này có thể giảm chậm hơn. Phân tích về nguyên nhân của tình trạng trên, phó giáo sư Lê Bạch Mai cho hay là do thói quen ăn uống ảnh hưởng đến giá trị khẩu phần canxi như trong khẩu phần ăn tăng lượng protein không đồng hành với tăng canxi. Phần lớn người dân tăng tiêu thụ thịt, trong đó thịt lợn là thực phẩm động vật chính trong bữa ăn hàng ngày trong khi lượng canxi trong thịt lợn không nhiều.
Trong khi đó, nguồn canxi giá trị sinh học cao có trong sữa, cá, tôm nhưng người dân còn sử dụng hạn chế. Vì hiện nay, tại nhiều gia đình, sữa chưa phải là khẩu phần bình thường trong bữa ăn mà chỉ ưu tiên chỉ dành cho trẻ em, người ốm, người già.
Đặc biệt, theo phó giáo sư Lê Bạch Mai, những năm gần đây xu hướng tăng sử dụng nước ngọt có ga, từ năm 2005-2009 tiêu thụ loại nước ngọt này tăng gấp đôi sau 5 năm. Việc sử dụng nước ngọt có ga hằng ngày cũng ảnh hưởng đến đào thải canxi, vì loại nước này làm cho canxi trong khẩu phần ăn không được hấp thụ.
Bên cạnh đó, thói quen ăn mặn của người Việt cũng làm ảnh hưởng đến việc hấp thụ giá trị khẩu phần ăn chứa canxi. Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, để đáp ứng đủ lượng canxi mỗi người một ngày thì người dân nên ăn những thực phẩm giàu canxi như cua, cá nhỏ, tôm, sữa. Khi nấu ăn, người dân nên chế biến để ăn cua cả mai và yếm, cá cả xương, ăn tôm thì ăn cả vỏ. Đối với cá, để có nhiều canxi thì nên ăn cá nhỏ để ăn được cả xương. Hiện nay có tình trạng người dân chỉ ăn cá to mà quên mất việc ăn cá nhỏ sẽ có lượng canxi nhiều hơn.
Theo tiến sĩ Sơn, nguy cơ gẫy xương liên quan đến loãng xương có thể giảm bởi việc tăng cường mật độ xương thông qua chế độ ăn và tập luyện. Mỗi người dân nên đảm đảo đủ lượng canxi và vitamin D trong khẩu phần ăn theo nhu cầu khuyến nghị; giữ cân nặng hợp lý và tập thể dục đều đặn; không hút thuốc và sử dụng nhiều bia rượu; cần thường xuyên đi khám khi thấy có các triệu chứng về xương khớp.
Theo Vietnam+