Những câu chuyện về tác hại của sự kỳ thị, phân biệt đối xử, những câu hỏi liên quan đến HIV/AIDS, những chia sẻ về chặng đường vô cùng khó khăn vượt qua mặc cảm, kỳ thị của một người trong cuộc…, tất cả đã làm cho buổi giao lưu và thi tìm hiểu về phòng chống HIV/AIDS trở nên sinh động, hữu ích.
Đây là hoạt động do Hội Phụ nữ cơ sở và Đoàn cơ sở Phòng Hậu cần - Kỹ thuật (Công an Phú Yên) phối hợp tổ chức nhằm hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014.
CHIA SẺ TỪ NGƯỜI TRONG CUỘC
Khách mời giao lưu là chị Nguyễn Thị Thu Mai đến từ thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), người đầu tiên ở Phú Yên công khai việc mình nhiễm HIV. Sau khi chồng chết vì AIDS, chị Thu Mai đã vượt qua nỗi đau, vượt qua mặc cảm cùng sự kỳ thị để làm chỗ dựa cho đứa con gái bé bỏng và người mẹ già mắc bệnh ung thư. “Ban đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Hàng xóm xa lánh, không dám tới gần. Cha mẹ các bạn tôi bảo tôi đừng tới nhà họ nữa, nếu không con gái họ sẽ không lấy được chồng”, Thu Mai nghẹn lời khi kể về quãng thời gian mình bị kỳ thị. Tham dự buổi giao lưu, nhiều người rơi nước mắt, cảm nhận nỗi đau mà người phụ nữ trẻ này đã trải qua khi chẳng may bị lây nhiễm HIV từ chồng.
Gần 10 năm trôi qua kể từ khi tai họa giáng xuống cuộc đời mình, Thu Mai vẫn khỏe, vẫn là chỗ dựa của mẹ già, con thơ và là một tuyên truyền viên phòng chống AIDS rất tích cực. Sau khi bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ, Thu Mai gia nhập nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Phú Yên và gắn bó với nhóm trong một thời gian. Chị nghĩ rằng: “Tham gia tuyên truyền để mọi người hiểu hơn, có cái nhìn cảm thông và cởi mở hơn với người nhiễm HIV/AIDS”. Với hàng xóm láng giềng, dần dần Thu Mai cũng đã làm thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của họ. “Lúc trước, họ không dám ngồi gần tôi. Bây giờ, họ đã thân thiện, có thể ngồi cùng, ăn uống cùng tôi. Những khi đi mua phế liệu, có người hỏi thăm, tôi cũng nói rất thật về sức khỏe của mình. Nhờ phát hiện sớm và được điều trị bằng ARV từ đầu năm 2012 nên sức khỏe của tôi ổn định. Tôi muốn góp phần tuyên truyền cho mọi người hiểu rõ về HIV/AIDS để những người không may như tôi không còn bị kỳ thị, xa lánh”, Thu Mai chia sẻ.
Trung tá Nguyễn Thị Ngọc An, Phó trưởng phòng Hậu cần - Kỹ thuật cảm ơn chị Thu Mai đã vượt đường xa đến đây giao lưu. “Cuộc sống của chị Mai bây giờ vô cùng vất vả. Chúc chị có thêm nghị lực để vươn lên và tiếp tục có những đóng góp vào hoạt động phòng chống HIV/AIDS”, trung tá Ngọc An nói.
SINH ĐỘNG VÀ Ý NGHĨA
Phần thi tìm hiểu về phòng, chống HIV/AIDS diễn ra sôi nổi với 3 đội tham gia: Đội Vật tư tổng hợp và Hành chính quản trị, Đội Ban y tế Bệnh xá và đội Xe, đội Tài vụ và Xây dựng cơ bản. Cuộc tranh tài của các hội viên, đoàn viên Phòng Hậu cần - Kỹ thuật lôi cuốn ngay từ phần thi đầu tiên:
Thuyết trình. Nói về tác hại của việc kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, thành viên đội Vật tư tổng hợp và Hành chính quản trị chỉ ra một thực tế, do nhiều nguyên nhân mà cộng đồng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Vì vậy, những người nhiễm HIV thường có tâm lý nặng nề. Họ không tiết lộ danh tính, không tiếp cận các dịch vụ, khó tiếp nhận thông tin và không có kỹ năng phòng bệnh nên có thể lây nhiễm HIV cho những người khác. Bị kỳ thị, người nhiễm HIV không được làm việc, học tập như những người bình thường, trong khi họ vẫn có thể làm việc, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Thuyết trình về các mục tiêu của Chiến dịch toàn cầu phòng chống AIDS giai đoạn 2011-2015, đại diện Đội Ban y tế Bệnh xá và đội Xe nói: “Nếu hiểu biết về căn bệnh này thì có thể phòng tránh được. Từ khi nhiễm HIV đến giai đoạn AIDS là một quãng thời gian dài, cuộc sống của những người nhiễm HIV rất cần có sự tiếp sức của gia đình, cộng đồng, bên cạnh nghị lực của chính họ. Tôi kêu gọi mọi người chung tay giúp người nhiễm HIV không còn mặc cảm, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội”.
Phần thuyết trình của Đội Tài vụ và Xây dựng cơ bản có cách đặt vấn đề khá sinh động. Đại diện đội này kể câu chuyện về một thanh niên cai nghiện thành công nhưng đã bị nhiễm HIV, muốn “trả thù đời” nhưng rồi thức tỉnh và kịp dừng lại; về một cô gái đã dũng cảm bảo vệ tình yêu của mình, kết hôn với một người nhiễm HIV và trở thành tuyên truyền viên tích cực trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở địa phương. Sau đó, đại diện Đội Tài vụ và Xây dựng cơ bản đặt câu hỏi cho khán giả: Có phải nhiễm HIV là cầm chắc cái chết? Có phải những người lương thiện, đứng đắn thì không nhiễm HIV? Rõ ràng là không, vì vi rút HIV không phân biệt bất kỳ ai. Vi rút này lây qua 3 đường: quan hệ tình dục, đường máu và mẹ truyền sang con. Qua bài thuyết trình, Đội Tài vụ và Xây dựng cơ bản muốn mọi người nhận thức đúng đắn hơn về HIV/AIDS và về những người mắc phải căn bệnh này.
Trong phần thi Kiến thức, đội Vật tư tổng hợp và Hành chính quản trị đã trả lời đúng và rất nhanh 10 câu hỏi. Đội này cũng nhanh chóng tìm đúng từ khóa, ráp hoàn chỉnh bức tranh trong phần thi ráp tranh để giành chiến thắng chung cuộc.
Cuộc thi là một sân chơi để các hội viên, đoàn viên Phòng Hậu cần - Kỹ thuật hiểu thêm về HIV/AIDS, qua đó góp thêm tiếng nói vào công cuộc phòng chống căn bệnh thế kỷ.
YÊN LAN