Thịt cóc dinh dưỡng rất cao so với thịt các động vật khác. Tuy nhiên, cóc cũng chứa nhiều chất độc trong các tuyến mang tai, tuyến trên mắt, các nốt sần trên da, trứng, gan. Nếu chế biến không đúng cách sẽ làm độc tố lẫn vào thịt cóc, không loại bỏ hết nội tạng nên ăn phải độc tố gây ngộ độc.
Triệu chứng ngộ độc: Trung bình 1 đến 2 giờ sau khi ăn.
+ Hội chứng tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, mửa, đau bụng và chướng bụng.
+ Hội chứng tim mạch: Lúc đầu, bệnh nhân cảm thấy hồi hộp, huyết áp cao, nhịp tim nhanh, sau đó rối loạn nhịp: Ngoại tâm thu, cơn nhịp nhanh thất, rung thất nhịp nút, dẫn đến trụy mạch. Với người bị nặng: sự dẫn truyền ở tâm thất bị ngưng trệ, rung tâm thất, huyết áp tụt, chân tay lạnh.
+ Hội chứng rối loạn thần kinh - tâm thần: có thể gây ảo giác, ảo tưởng, chảy dãi, thèm ngủ, miệng và tứ chi tê dại, đổ mồ hôi. Nặng hơn nữa có thể gây ức chế trung khu hô hấp dẫn tới ngừng thở và tử vong.
Ngoài ra, ngộ độc thịt cóc còn gây tổn thương thận, vô niệu, viêm ống thận.
Khi phát hiện các triệu chứng trên cần đưa người bị ngộ độc đến ngay cơ quan y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do cóc, tốt nhất và an toàn nhất là không ăn cóc. Nếu cần sử dụng phải chế biến thật kỹ và đúng cách: cắt bỏ đầu dưới tuyến mang tai, cắt bỏ tứ chi, rạch phần lưng lột hết lớp da, bỏ toàn bộ nội tạng. Chú ý khi lột da nhất thiết phải lột dưới vòi nước đang chảy, rửa kỹ lại trên 4 lần bằng nước sạch và kiểm tra lại trước khi chế biến.
BS ĐOÀN HÙNG ÁNH
GĐ TTYT TP Tuy Hòa