Thứ Tư, 27/11/2024 19:36 CH
Giảm tiểu cầu
Thứ Hai, 15/12/2014 09:52 SA

Hỏi: Cháu bé mới 9 tháng tuổi, không sốt, bị chấm xuất huyết trên da, đi khám bác sĩ chẩn đoán bé bị xuất huyết giảm tiểu cầu nhưng không tìm ra nguyên nhân. Nghe nói bệnh không thể chữa khỏi, có thể tìm ra nguyên nhân để chữa dứt điểm không?

 

Nguyễn Ngọc Loan (xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa)

 

Trả lời: Tiểu cầu là một trong những thành phần chính của máu, ngoài hồng cầu và bạch cầu. Tiểu cầu được sinh ra từ tủy xương, có vai trò quan trọng trong quá trình cầm máu, đông máu. Số lượng tiểu cầu bình thường trong máu từ 150.000 đến 400.000/mm3. Tiểu cầu có đời sống ngắn, khoảng 1 tuần (so với hồng cầu có đời sống 120 ngày). Trong bệnh giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân (vô căn), tuổi thọ của tiểu cầu chỉ còn khoảng 24 giờ.

 

Giảm tiểu cầu vô căn, gọi như vậy vì cho đến nay người ta không biết rõ căn nguyên gây nên tình trạng này, và bệnh được xem là một tình trạng tự miễn, cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại tiểu cầu làm giảm tuổi thọ của tiểu cầu. Các trường hợp có nguyên nhân gồm: nhiễm độc hóa chất, nhiễm trùng như sốt xuất huyết, nhiễm siêu vi trùng khác như sởi, cúm và một số bệnh về máu khác.

 

Bệnh giảm tiểu cầu vô căn cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ với hơn 90% trường hợp. Bệnh mạn tính, tái đi tái lại, kéo dài nhiều năm có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường thấy ở trẻ gái hơn là trẻ trai.

 

Trong bệnh cấp tính, tiểu cầu giảm dưới 50.000/mm3, kèm theo các dấu hiệu xuất huyết khác nhau. Cụ thể là chảy máu cam, chảy máu chân răng; chấm, đốm xuất huyết trên da, mảng bầm tím; xuất huyết tiêu hóa, võng mạc; ở phụ nữ có thể rong kinh… Vài trường hợp nặng có thể nguy hiểm khi xuất huyết xảy ra ở não.

 

Bệnh thường tự khỏi trong 75% trường hợp cấp tính ở trẻ nhỏ và 25% trường hợp mạn tính ở người lớn. Bệnh không có điều trị đặc hiệu. Một số trường hợp có thể duy trì được mức tiểu cầu trên 60.000/mm3 bằng Corticoide liều 1-2mg/kg cân nặng cơ thể/ngày (nhằm ức chế sự tấn công của hệ miễn dịch đối với tiểu cầu). Những trường hợp nặng không đáp ứng với Corticoide đơn thuần, có thể kết hợp các thuốc khử miễn dịch (có chỉ định chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa). Xuất huyết cấp tính nặng, số lượng tiểu cầu dưới 20.000/mm3, thường được giải quyết tốt bằng cách truyền tiểu cầu. Vài trường hợp dai dẳng, tái đi tái lại nặng, có thể có chỉ định cắt lách.

 

Một số loại thuốc điều trị bệnh có thể gây giảm tiểu cầu như Aspirin, Quinin, thuốc trị động kinh, thuốc trị lao… Chị cần báo cho bác sĩ biết tình trạng bệnh của cháu để tránh sử dụng các thuốc này.

 

BS ĐOÀN VĂN HẢI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek