Thứ Tư, 27/11/2024 22:50 CH
Phòng một số loại bệnh trong mùa mưa
Thứ Hai, 27/10/2014 10:00 SA

Điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: T.THỦY

Thời tiết chuyển mùa, đặc biệt từ mùa nóng sang mùa mưa làm cho nhiệt độ, độ ẩm trong không khí thay đổi đột ngột, làm tăng nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh là một trong những nhiệm vụ của người dân, cộng đồng dân cư và toàn xã hội.

 

Mưa, bão thường làm thay đổi nhiệt độ và độ ẩm trong không khí. Sự thay đổi này tạo điều kiện cho nhiều loại côn trùng phát triển, trong đó một số côn trùng là trung gian truyền bệnh gây dịch như sốt xuất huyết, sốt rét. Mưa, bão làm ngập lụt hoa màu, thực phẩm, làm tràn ngập phân gia súc gia cầm ra môi trường... gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nước, ô nhiễm thực phẩm; từ đó có nguy cơ xâm nhập vào cơ thể người gây bệnh, có những bệnh bùng phát thành dịch. Trong phạm vi bài viết này, tôi nêu ra một số dịch bệnh hay xảy ra vào mùa mưa bão ở Phú Yên. Từ đó, mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư tùy theo khả năng của mình để có những biện pháp phòng chống thích hợp.

 

Bệnh về đường hô hấp: Do thay đổi về vi khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió), làm cho cơ thể rất dễ bị các bệnh như viêm long đường hô hấp trên, viêm phổi, viêm phế quản... đặc biệt là ở người già và trẻ em, những người có các bệnh mãn tính. Vì vậy, để phòng tránh các bệnh lý này, mỗi người nên chú ý không để ướt mình khi ra ngoài, mặc ấm, ăn đủ chất, không dùng nước đá. Đặc biệt, mọi người phải giữ ấm vùng cổ, mang khẩu trang che mũi miệng (những người mang kính cận không nên mang khẩu trang vì hơi thở dễ bị mờ kính ảnh hưởng đến tầm nhìn), không đi ra ngoài trời mưa nếu không thực sự cần thiết.

 

Các sự cố về tim mạch: Nhất là những người bị các bệnh lý cao huyết áp do thay đổi của thời tiết nên có thể “khó” thích nghi nếu bị lạnh đột ngột dễ dẫn đến các sự cố tim mạch đáng tiếc. Vì vậy, ở những người này hết sức lưu ý trong ăn uống sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý để phòng ngừa.

 

Phòng chống sốt xuất huyết: Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây dịch, trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes Aegypti, loại muỗi này trong mùa mưa phát triển rất mạnh. Để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, mỗi người, mỗi nhà, mỗi cộng đồng dân cư phải thường xuyên vệ sinh môi trường; lấp các hố nước đọng, không để nước đọng lâu ngày trong các vật dụng có thể đọng nước; thường xuyên đổ bọ gậy; diệt muỗi bằng nhang muỗi, vợt điện...; không để muỗi cắn bằng cách ngủ trong màn kể cả ban ngày.

 

Ở các vùng có sốt rét lưu hành: Mọi người thường xuyên phát quang xung quanh nhà, đi làm phải mặc áo quần dài tay để tránh muỗi truyền sốt rét đốt; phải ngủ trong mùng, nên sử dụng mùng có tẩm hóa chất xua muỗi. Những người làm rẫy phải đảm bảo các biện pháp phòng bệnh sốt rét mà các cơ quan chức năng đã khuyến cáo. Những người ở những vùng không lưu hành sốt rét nhưng vào vùng lưu hành sốt rét làm việc phải hết sức lưu ý thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh. Cộng đồng dân cư trong vùng lưu sốt rét, thường xuyên tổ chức truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân chủ động phòng chống sốt rét, nhất là sốt rét kháng thuốc.

 

Phòng chống các bệnh về tiêu hóa: Mưa bão sẽ làm ngập nước nhiều vùng đất canh tác, vì vậy hoa màu rất dễ bị ngập úng, ô nhiễm, nguy cơ bị các bệnh lây qua đường tiêu hóa rất cao. Các bệnh lý về đường tiêu hóa hay gặp trong mùa mưa bão là lỵ (cả trực trùng, cả amíp), rối loạn tiêu hóa, tả, thương hàn, sán lá gan, giun... Vì vậy mọi người phải tuyệt đối ăn chín uống sôi. Sử dụng nước sạch, nếu bị ngập lụt thì phải xử lý nước bằng cách đánh phèn, lọc hay sử dụng chloramin... trước khi sử dụng. Nếu có biểu hiện bệnh lý thì đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị, tránh lây lan.

 

Các bệnh do nấm: Các bệnh nấm da, nấm kẽ tay, kẽ chân... thường xảy ra sau các đợt lũ lụt do điều kiện vệ sinh, môi trường ô nhiễm, vệ sinh cá nhân kém. Độ ẩm cao cũng là những điều kiện thuận lợi cho các loại nấm phát triển. Để phòng chống, mỗi người không nên lội nước lụt nếu không cần thiết; trong trường hợp bị nước bẩn làm ướt thì phải tắm rửa sạch sẽ, lau khô người, tay chân trước khi mặc quần áo, mang tất, giày.

 

Bệnh đau mắt đỏ: Là bệnh viêm kết mạc mắt do vi rút, hay viêm kết mạc mắt do vi trùng là những bệnh lý ở mắt hay gặp trong mùa mưa bão do điều kiện vệ sinh cá nhân không đảm bảo, thiếu nước sạch, môi trường bị ô nhiễm... Để phòng chống các bệnh này, cá nhân mỗi người phải đảm bảo vệ sinh, nhất là không dùng khăn mặt chung, rửa tay, mặt thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch. Khi có biểu hiện như xốn mắt, chảy ghèn, mắt đỏ thì nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị; không tự ý điều trị dễ gây các biến chứng nguy hiểm.

 

Đề phòng các loại ngộ độc: Các loại ngộ độc cũng thường xảy ra vào mùa mưa bão. Các thức ăn đã chế biến sẵn dễ nhiễm khuẩn... nên người sử dụng dễ bị nhiễm độc thực phẩm, nhất là ở các bếp ăn tập thể, những người sử dụng thức ăn đường phố. Bên cạnh đó trong mùa mưa bão, một số nấm phát triển mạnh, trong đó có rất nhiều loại nấm độc nếu sử dụng sẽ bị ngộ độc. Tốt nhất là bạn không sử dụng nấm lạ, nấm mọc tự nhiên mà không biết chắc chắn đó là nấm gì, có độc hay không.

 

Vì sức khỏe của bản thân mình, của gia đình mình và của cả cộng đồng xã hội, mọi người cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh trong mùa mưa bão.

 

Bác sĩ NGUYỄN VINH QUANG

GĐ Trung tâm TTGDSK Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek