Ngày 16/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia phòng chống ung thư lần thứ 17.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 14,1 triệu người mới mắc ung thư và 8,2 triệu người chết vì căn bệnh này, trong đó 2/3 bệnh nhân ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, theo ghi nhận ung thư tại một số tỉnh, thành phố lớn bao gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ… ước tính mỗi năm có từ 130 nghìn đến 160 nghìn trường hợp mắc mới, trong đó có khoảng 85 nghìn đến 115 nghìn người tử vong do căn bệnh này.
Xu thế mắc không ngừng gia tăng không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới. Tuy vậy, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, 40% ung thư có thể dự phòng; 30% được chữa khỏi khi phát hiện sớm và điều trị kịp thời; 30% kéo dài được thời gian sống của người bệnh nhờ các biện pháp can thiệp trong điều trị...
Loại ung thư nam giới thường gặp hiện nay là gan, phổi, dạ dày, ruột, vòm họng; ở nữ là ung thư vú, gan, phổi, cổ tử cung và dạ dày. Nguy cơ gây ung thư lớn nhất hiện nay là môi trường bị ô nhiễm, thói quen uống rượu bia nhiều, hút thuốc lá, ăn mặn và sử dụng nhiều đồ ăn nhanh.
Theo các đại biểu, số bệnh nhân ung thư ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới hiện nay chỉ là con số ước đoán. Gánh nặng ung thư toàn cầu đã tăng gấp đôi từ 1974 đến năm 2000 và sẽ còn tăng gấp đôi kể từ nay đến năm 2030.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, 40% ung thư có thể dự phòng, 30% được chữa khỏi khi phát hiện sớm và điều trị kịp thời, 30% kéo dài thời gian sống cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống nhờ can thiệp các biện pháp điều trị.
Tại hội thảo, gần 60 báo cáo khoa học, công trình nghiên cứu tập trung vào một số lĩnh vực như ung thư vú, phụ khoa, nội tiết; ung thư phổi, lồng ngực; ung thư tiêu hóa; cận lâm sàng, điều dưỡng và phương pháp chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế và cộng đồng.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức tổng kết đánh giá thực hiện dự án “Tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú và ung thư cổ tử cung của phụ nữ” trên địa bàn từ năm 2012-2014.
Theo đánh giá của Ban quản lý Dự án, qua 3 năm thực hiện, dự án được triển khai tại 180 xã, thị trấn và 20 đơn vị có đông phụ nữ đã thu được kết quả cao, đảm bảo chất lượng. Trên 51.000 phụ nữ đã được khám tầm soát, phát hiện sớm ung thư.
Những trường hợp phát hiện sớm (tổn thương tiền ung thư và ung thư giai đoạn đầu) hoặc nghi ngờ đều được khuyến cáo, gửi đi kiểm tra chuyên khoa sâu và kịp thời điều trị tại bệnh viên Ung bướu Hà Nội hoặc các bệnh viên chuyên khoa khác. Nhờ vậy, nhiều bệnh nhân được cứu sống, tiết kiệm chi phí điều trị.
Qua dự án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ y tế huyện về những kiến thức cơ bản chuyên khoa ung thư, góp phần nâng cao chất lượng công tác chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư cho tuyến y tế cơ sở.
Thông qua hoạt động truyền thông giáo dục của dự án, chị em phụ nữ Hà Nội trong độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh đã được phổ biến những kiến thức cơ bản, biết cách phát hiện các dấu hiệu bất thường để đến khám và điều trị ở các cơ sở chuyên khoa.
Theo TTXVN/Vietnam+