Nhân ngày toàn dân sử dụng muối i-ốt (2/11), tôi xin giới thiệu tóm tắt tác dụng của i-ốt và thực phẩm chứa nhiều i-ốt để mọi người nghiên cứu sử dụng.
TÁC DỤNG CỦA I-ỐT
Duy trì quá trình trao đổi năng lượng của cơ thể: Thực hiện phân giải vật chất, cung cấp các năng lượng cần thiết cho các hoạt động của cơ thể và sinh ra nhiệt (duy trì nhiệt độ cơ thể). Thiếu i-ốt sẽ làm giảm lượng hoóc môn tuyến giáp tiết ra, gây tổn thương cho các hoạt động cơ bản để duy trì sự sống của cơ thể, đồng thời cũng làm suy giảm các chức năng cơ thể.
Thúc đẩy quá trình phát triển của cơ thể: Các hoóc môn tuyến giáp khống chế quá trình phát triển hệ xương, giới tính và cơ cũng như chiều cao của trẻ trong giai đoạn phát triển. Việc thiếu hụt hoóc môn tuyến giáp sẽ khiến cơ thể phát triển không bình thường.
Hỗ trợ phát triển trí não: Trong giai đoạn phát triển trí não nhất định của thai kỳ hay thời kỳ phát triển của trẻ nhỏ, nhất thiết phải dựa vào các hoóc môn tuyến giáp. Việc thiếu hụt hoóc môn tuyến giáp sẽ gây ảnh hưởng cho quá trình phát triển trí não, về sau sẽ gây trở ngại cho sự phát triển trí tuệ.
Nếu qua giai đoạn đó mới bổ sung i-ốt chỉ có tác dụng giữ cho cơ thể phát triển bình thường, giúp tăng cường chức năng tuyến giáp vốn đã bị suy nhược, hồi phục chức năng cơ thể, cải thiện các hoạt động trí lực một cách gián tiếp.
NHỮNG THỰC PHẨM CÓ I-ỐT
Hàm lượng i-ốt trong tảo bẹ cao nhất (khoảng 2000μg/kg tảo bẹ tươi). Sau đó là các loại cá biển và các động vật vỏ cứng ở biển (khoảng 800μg/kg).
Các thực phẩm trên cạn như trứng, sữa chứa hàm lượng i-ốt cao (4-90μg/kg), sau đó là các loại thịt. Cá nước ngọt có hàm lượng i-ốt tương đương hoặc thấp hơn so với các loại thịt. Thực vật có hàm lượng i-ốt thấp nhất.
Ngoài ra, trong muối có hàm lượng i-ốt lớn. Càng là muối tinh chế, hàm lượng i-ốt càng ít. Hàm lượng i-ốt trong muối biển khoảng 20μg/kg. Nếu mỗi người mỗi ngày nạp 10g muối vào cơ thể, chỉ có thể được 2μg i-ốt, chắc chắn không thể đáp ứng nhu cầu phòng tránh việc thiếu i-ốt.
Top 10 thực phẩm chứa i-ốt (và hàm lượng i-ốt/100g thực phẩm đó): 1.Tảo bẹ: 1mg; 2.Tảo tía (khô): 1.800μg; 3.Rau chân vịt: 164μg; 4.Rau cần: 160μg; 5.Cá biển: 80μg; 6.Muối biển: 2μg; 7.Sơn dược: 14μg; 8.Muối ăn có i-ốt: 7.600μg; 9.Cải thảo: 9.8μg; 10.Trứng gà: 9.7μg.
Cần lưu ý: Không phải nạp càng nhiều i-ốt càng tốt. Quá nhiều i-ốt sẽ làm biến đổi chức năng tuyến giáp, hoặc tăng gánh nặng cho chức năng tuyến giáp. Với trẻ nhỏ, lượng i-ốt nhiều nhất là 800μg/ngày, người lớn là 1.000μg/ngày. Hàm lượng i-ốt tiêu chuẩn từ 14 tuổi đến khi trưởng thành là 150μg/ngày, phụ nữ có thai và đang cho con bú nên tăng thêm 50μg/ngày.
Bác sĩ ĐOÀN HÙNG ÁNH
Giám đốc TT Y tế TP Tuy Hòa