Thứ Tư, 27/11/2024 22:49 CH
“Khát” thuốc điều trị cho bệnh nhân tâm thần
Thứ Hai, 13/10/2014 11:00 SA

Hết thuốc, bác sĩ Trạm Chuyên khoa Tâm thần tỉnh phải kê toa cho người nhà bệnh nhân tự mua - Ảnh: V.HOÀNG

Gần đây, trạm y tế các xã, phường trong tỉnh có một thực trạng chung là thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân tâm thần. Không những thế, tại tuyến tỉnh, Trạm chuyên khoa Tâm thần cũng gặp nhiều khó khăn khi không đủ thuốc cấp cho người bệnh.

 

Tại Trạm chuyên khoa Tâm thần Phú Yên, chúng tôi chứng kiến cảnh thầy thuốc lo lắng, buồn phiền khi không có đủ thuốc điều trị cấp cho người nhà bệnh nhân tâm thần. Bác sĩ Đặng Thị Vẽ, Phó trưởng Trạm chuyên khoa Tâm thần than vãn: “Thật khó cho chúng tôi và người nhà bệnh nhân. Tại đây, chúng tôi sử dụng 20 loại thuốc để điều trị cho bệnh nhân tâm thần thì hiện nay có tới 8 loại thuốc đã hết. Các loại còn lại số lượng không nhiều. Những loại thiếu, chúng tôi tư vấn và cho toa người nhà bệnh nhân mua thuốc bên ngoài, nhưng đâu phải ai cũng có tiền. Rất nhiều trường hợp chưa lo được cái ăn mà phải tự mua thuốc thì càng ngặt nghèo hơn”.

 

Bà Võ Thị Vương ở xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa, đến Trạm chuyên khoa Tâm thần tỉnh nhận thuốc cho hai người con bị bệnh, thoạt đầu yên tâm khi nhận được đủ loại thuốc điều trị cho con bà, trong khi phần lớn các gia đình khác phải đi mua thuốc theo toa bác sĩ. Nhưng rồi bà Vương lại lo lắng: “Nhà tôi nghèo lắm. Chồng bỏ đi, mỗi ngày tôi cũng chỉ dành mấy tiếng đồng hồ bóc vỏ hạt điều được 20.000 đồng. Thời gian còn lại, tôi phải ở nhà chăm sóc và giữ con. Sắp tới đây, nếu các loại thuốc này không còn thì tôi biết phải làm sao, lấy đâu ra tiền mà mua thuốc?”.

 

Tại Trạm Y tế phường 5 (TP Tuy Hòa), điều dưỡng Lê Thị Trần Thùy, phụ trách công tác dược, cho biết: “Mỗi tháng, chúng tôi đều phải dự trù thuốc. Chưa bao giờ thuốc cho người bệnh tâm thần thiếu như thời gian gần đây. Cụ thể, trong tháng 7, trạm dự trù 8 loại thuốc điều trị nhưng chỉ có 5 loại, tháng 8 dự trù 3 loại chỉ có 1 loại và tháng 9 dự trù 5 loại nhưng cũng chỉ có 1 loại. Số loại thuốc không đủ, số lượng thuốc cũng ít hơn. Hiện trạm còn 2 loại thuốc điều trị nhưng cũng chỉ có vài hộp. Mấy tháng nay trong tình trạng thiếu thuốc, chúng tôi thương lượng với người nhà bệnh nhân có gì nhận nấy, còn thiếu loại nào thì người nhà phải mua bên ngoài”.

 

Theo bác sĩ Lê Văn Lý, Trưởng trạm chuyên khoa Tâm thần Phú Yên, lâu nay người bệnh tâm thần được cấp thuốc điều trị từ dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng - Bộ Y tế, thế nhưng từ cuối năm ngoái, ban quản lý dự án này đã gửi văn bản cho các đơn vị tham gia dự án biết, nguồn kinh phí dành cho dự án trong năm 2014 giảm 68% so với năm 2013. Sau khi viện dẫn một số văn bản pháp luật, Ban quản lý dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng đề nghị các đơn vị nên xin kinh phí địa phương để duy trì nguồn thuốc cho người bệnh tâm thần. Bác sĩ Lý nêu rõ: “Nếu như năm ngoái, nguồn kinh phí mua thuốc cho người bệnh tâm thần ở Phú Yên gần 1,1 tỉ đồng (nguồn Trung ương 981 triệu đồng) thì năm nay tổng kinh phí huy động từ các nguồn đến thời điểm này chỉ mới được 350 triệu đồng (nguồn Trung ương 320 triệu đồng), bằng 32% so với năm trước. Trong khi đó, nhu cầu kinh phí mua thuốc tạm đủ cấp phát cho bệnh nhân trong năm 2014 hơn 1,2 tỉ đồng”. Theo quy định, đây là những bệnh xã hội mà Nhà nước cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân. Đa số bệnh nhân tâm thần đều mãn tính, hoàn cảnh gia đình rất nghèo, không có điều kiện tự mua thuốc và bệnh nhân đi mua thuốc rất khó do thị trường không phổ biến các loại thuốc này.

 

Được biết, từ nhiều năm nay, thuốc sử dụng tại Trạm Chuyên khoa Tâm thần chủ yếu là những loại thuốc cũ, rẻ tiền, nhiều tác dụng không mong muốn, luôn hạn chế về chủng loại và đặc biệt là chưa bao giờ đủ thuốc để cấp điều trị cho bệnh nhân. Một điều đáng lo ngại nữa, hiện Trạm chuyên khoa Tâm thần Phú Yên là nơi duy nhất trong cả nước không có giường bệnh điều trị nội trú người bệnh tâm thần. Phú Yên cũng là địa phương không có khoa Tâm thần trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoặc không có trung tâm phòng chống bệnh xã hội như các nơi khác. Và đến nay, cả tỉnh cũng chỉ có 4 bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Thực tế đã có không ít thảm cảnh đau lòng do người bệnh tâm thần gây ra, trong đó có việc chém chết cha mẹ ruột hoặc bản thân tự tử.

 

Bản chất của bệnh tâm thần là mãn tính và tái phát, vì vậy cần phải điều trị kịp thời. Đã đến lúc Phú Yên cần sớm có giải pháp cấp bách để giải quyết vấn đề này, nhằm chia sẻ với gia đình bệnh nhân, chủ động phòng ngừa những nỗi đau và hiểm họa do người bệnh tâm thần gây ra.

 

Phú Yên hiện có hơn 4.200 người bệnh tâm thần đang được quản lý và điều trị, trong đó có 1.971 người tâm thần thể phân liệt, 1.877 người thể động kinh và 450 người tâm thần thể trầm cảm, suy nhược, loạn thần do chấn thương… Nơi có số người bệnh tâm thần cao nhất là huyện Phú Hòa với 287 người, TX Sông Cầu 269 người, huyện Đông Hòa 249 người.

 

VŨ HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek