3 tháng qua, cứ 2 tuần 1 lần, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên tổ chức Chương trình Giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân ngay tại hội trường bệnh viện. Cách làm này thu hút khá đông bệnh nhân và người nhà tham dự khi họ có được những kiến thức bổ ích để chăm sóc sức khỏe.
Hội trường Bệnh viện Đa khoa Phú Yên chiều thứ sáu tuần qua thu hút hơn 200 bệnh nhân và người chăm sóc bệnh đến nghe chuyên đề về bệnh tiểu đường. Sau khi bác sĩ Nguyễn Ngọc Linh Chi (khoa Nội tổng hợp) giới thiệu về bệnh tiểu đường, bác sĩ Trương Thị Sáng (phòng Tổ chức cán bộ) tư vấn về cách chăm sóc bệnh nhân mắc tiểu đường, đặc biệt chú trọng đến chế độ dinh dưỡng và luyện tập.
Chỉ trong 2 giờ đồng hồ (từ 14 giờ đến 16 giờ), những bài giảng và tư vấn thực tế về một chuyên đề cần thiết của các bác sĩ đến được với bệnh nhân và người nhà của họ. Các bài giảng được trình chiếu với sự chuẩn bị khá công phu, khi nói về những biến chứng bàn chân do mắc bệnh tiểu đường, thì người tham dự được thấy hình ảnh rõ rệt của bàn chân với những vết lở loét thực tế. Như vậy, việc vừa nghe vừa thấy hình ảnh sẽ giúp bệnh nhân và người nhà hiểu nhanh, nhớ lâu.
Bà Bùi Thị Xuân Lan (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân) đang nuôi cháu điều trị tại bệnh viện, cũng sắp xếp thời gian để nghe tư vấn. Bà Lan nói: “Nghe về bệnh tiểu đường, tôi biết thêm nhiều điều. Gia đình tôi không có người mắc bệnh này, nhưng hàng xóm có người bị bệnh và đang hoang mang. Khi về quê tôi sẽ chỉ lại họ cách ăn uống và tập luyện mà tôi nghe được từ các bác sĩ”. Còn với anh Đoàn Văn Ngọc (xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa) đang nuôi con nằm viện thì cho biết anh thấy rất bổ ích khi được nghe những thông tin trong buổi tư vấn.
Mặc áo bệnh nhân, ông Đặng Ngọc Du (phường 5, TP Tuy Hòa) cũng lên tận hội trường để nghe giáo dục về chuyên đề bệnh tiểu đường. Ông Du bảo: “Tôi đang nằm viện để điều trị bệnh tiểu đường. Nay trực tiếp nghe các bác sĩ truyền đạt thêm kiến thức, tôi thấy mình hiểu biết hơn trong việc điều trị để hạn chế đường huyết tăng”. Với bệnh nhân Đào Khắc Nhan (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa) thì chăm chú hơn ở phần chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân tiểu đường. Ông Nhan cho biết: “Qua theo dõi, tôi nhớ nhất là việc người bệnh tiểu đường tăng cường bổ sung các loại rau xanh, trái cây và ngũ cốc thường xuyên; nên ăn khoảng 2 chén hoa quả và 2,5 chén rau xanh mỗi ngày; cắt giảm hàm lượng chất béo bằng cách lựa chọn các loại thực phẩm như thịt nạc, thịt gia cầm và các loại thực phẩm ít hoặc không có chất béo khác. Thay vì chỉ ăn thành 3 bữa chính mỗi ngày, chúng tôi nên chia ra thành nhiều bữa nhỏ, để giúp hàm lượng đường trong máu được cân bằng. Tôi sẽ thực hiện đúng chế độ như bác sĩ đã nói”.
Mỗi buổi truyền thông giáo dục sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên thu hút ít nhất 200 người tham gia; có buổi lên trên 350 người. Bác sĩ Châu Khắc Toàn (khoa Hồi sức tích cực, chống độc), cho rằng, việc bệnh viện tổ chức tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân là rất ý nghĩa. “Tôi phụ trách báo cáo chuyên đề nhồi máu cơ tim, qua đó giúp bệnh nhân và người nhà nhận biết các yếu tố nguy cơ, đặc biệt khi có triệu chứng, biểu hiện thì đến bệnh viện sớm trước 12 giờ, mới có cơ hội qua khỏi”, bác sĩ Toàn cho biết.
Tại bệnh viện, các y bác sĩ, điều dưỡng đã cố gắng thực hiện giáo dục sức khỏe bệnh nhân trong mỗi lần tiếp xúc lâm sàng trong quá trình chǎm sóc. Việc giáo dục đi từ đơn giản đến phức tạp, từ việc chỉ dẫn cho bệnh nhân nhiễm khuẩn đường hô hấp trên tới việc dạy một người bị tiểu đường xử lý và đương đầu với bệnh tật trong nhiều nǎm. Tuy nhiên, giáo dục sức khỏe bệnh nhân không chỉ đơn thuần là trình bày thông tin mà là một quá trình trao đổi tích cực nhằm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi.
Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đào Mỹ Diễm Kiều, nói: “Tại các khoa, các y bác sĩ đã tư vấn bệnh khi điều trị bệnh nhân, song như vậy thì nội dung chỉ xoay quanh bệnh mà họ đang gặp. Việc Phòng Điều dưỡng tham mưu Ban giám đốc tổ chức Chương trình Giáo dục sức khỏe bệnh nhân tại bệnh viện với sự tham gia tư vấn của bác sĩ trưởng, phó các khoa về nhiều bệnh đang phổ biến là rất cần thiết. Chúng tôi đã tổ chức được 5 lần với 5 chuyên đề: bệnh lao, bệnh loét dạ dày tá tràng, bệnh tiểu đường, nhồi máu cơ tim, suy thận mạn. Từ đây đến cuối năm, chúng tôi sẽ thực hiện việc tuyên truyền giáo dục tiếp 5 chuyên đề về các bệnh: tăng huyết áp, tay chân miệng, thủy đậu, phòng lao cho bệnh nhân HIV, bệnh phổi tắc nghẽn”.
Mục đích chính của Chương trình Giáo dục sức khỏe bệnh nhân tại bệnh viện là tuyên truyền để giúp bệnh nhân và người nhà họ hiểu biết về những chứng bệnh thường gặp; nâng cao ý thức phòng bệnh và chia sẻ những khó khăn trong khi tiếp xúc với đội ngũ thầy thuốc của bệnh viện. Không chỉ giáo dục về chăm sóc sức khỏe, mà qua đó bệnh viện cũng thông tin về nội quy, quy định, quy chế của đơn vị để họ nắm bắt, giúp giảm bớt những thắc mắc, phiền hà. Hoạt động này cũng đóng góp hiệu quả trong việc xây dựng bệnh viện an toàn, thân thiện.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên |
VŨ HOÀNG