Bộ Y tế vừa ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (người hành nghề).
Ảnh minh họa |
Theo thông tư, người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trên phải bảo đảm đúng lĩnh vực chuyên môn, số lượng, chất lượng của người hành nghề (bác sĩ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên) đi luân phiên theo nhu cầu và kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh trao quyết định cho người hành nghề đi luân phiên ít nhất 10 ngày trước khi đi luân phiên.
Luân phiên tối thiểu 6 tháng
Theo thông tư, thời gian đi luân phiên có thời hạn của người hành nghề thực hiện theo quy định tại Điều 5 Quyết định 14/2013/QĐ-TTg. Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể như sau: Người hành nghề thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn với thời gian tối thiểu là 6 tháng được quy đổi bằng 132 ngày làm việc; tối đa 12 tháng được quy đổi là 264 ngày làm việc.
Thời gian đi luân phiên là thời gian thực tế làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới của người hành nghề. Người hành nghề đi luân phiên có thời hạn không liên tục được cộng dồn thời gian của các đợt để tính tổng thời gian hoàn thành chế độ luân phiên có thời hạn làm cơ sở để giải quyết các chế độ liên quan.
Theo thông tư, chế độ tiền lương và các khoản phụ cấp đối với người hành nghề trong thời gian luân phiên hiện hưởng theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng.
Chế độ trợ cấp đặc thù hàng tháng bằng 50% mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) được tính theo số ngày thực tế làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh tiếp nhận người hành nghề đến luân phiên trong tháng và được chi trả cùng kỳ lương tháng kế tiếp.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 7 Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg, các đối tượng trên trong thời gian đi luân phiên sẽ hưởng 100% tiền lương, các khoản phụ cấp theo lương (không bao gồm phụ cấp ưu đãi nghề); phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại, phụ cấp đặc biệt; phụ cấp khu vực (nếu có) như đối với người hành nghề tại nơi đến công tác; phụ cấp đặc thù đối với viên chức y tế như: Phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp chống dịch và chế độ làm đêm, thêm giờ (nếu có) theo chế độ quy định và các quyền lợi khác như: Thu nhập tăng thêm, tiền thưởng (nếu có).
Theo Chinhphu.vn