Hỏi: Mẹ tôi hay bị đau lưng, phải uống thuốc giảm đau; sợ bị loãng xương nên dùng thường xuyên sữa can xi có sao không? Có phải tất cả người già đều bị loãng xương, có thể phòng ngừa được không, thưa bác sĩ?
Nguyễn Thanh Tú (xã Hòa An, Phú Hòa)
Trả lời: Loãng xương là tình trạng khung xương bị yếu đi, giảm khối lượng, trở nên giòn, dễ gãy. Khung xương được hình thành nhờ quá trình tạo xương mới, hủy xương cũ. Trước tuổi 30, quá trình tạo xương mới nhanh hơn quá trình hủy xương; sau tuổi 30, quá trình hủy xương nhanh hơn, làm mất khoảng 0,4% xương mỗi năm. Tỉ lệ mất xương xảy ra nhanh hơn ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh (khoảng 3% mỗi năm).
Như vậy loãng xương là một quá trình tự nhiên, diễn biến âm thầm, ít triệu chứng. Nhiều người không biết mình bị loãng xương cho đến khi xảy ra các tình huống gãy xương chỉ sau các động tác vận động hoặc tai nạn té ngã tưởng chừng đơn giản. Các xương thường bị gãy là cổ xương đùi, cột sống, cổ tay, cánh tay. Sụp đốt sống có thể gây đau lưng dai dẳng, đau sẽ nhiều hơn khi ngồi lâu hoặc đứng lâu và đỡ đau khi nằm nghỉ. Lâu dài có thể gây biến dạng cột sống như còng lưng, vẹo cột sống.
Mặc dù loãng xương là quá trình tự nhiên, nhưng nếu có chế độ dinh dưỡng đầy đủ ngay từ tuổi nhỏ, đặc biệt là khẩu phần ăn đủ can xi, và có lối sống tích cực sẽ ít có nguy cơ bị bệnh loãng xương. Các yếu tố có hại có thể làm tăng nguy cơ bị loãng xương gồm: hút thuốc lá, nghiện rượu, ít vận động, thiếu dinh dưỡng.
Canxi là thành phần chính cần cho quá trình tạo xương. Sữa và các sản phẩm từ sữa là loại thức ăn chứa nhiều canxi ở dạng dễ hấp thu. Các loại rau, đậu nhất là đậu nành, mè cũng có nhiều canxi. Thực phẩm thủy sản phải ăn cả vỏ, xương mới có nhiều canxi. Có thể cân đối các loại thực phẩm để bảo đảm nhu cầu canxi hằng ngày, không nhất thiết phải dùng thường xuyên sữa canxi, có thể thừa, dễ gây sỏi thận. Ngoài ăn uống, đề phòng loãng xương cần thực hành lối sống tích cực:
- Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia.
- Năng vận động thể lực (có tác dụng kích thích quá trình tạo xương và giảm quá trình hủy xương).
- Người lớn tuổi không nên mang vác nặng, hạn chế các tư thế xấu; trong tập thể dục, thể thao cũng tránh các thao tác mạnh, đột ngột.
Điều trị loãng xương là một quá trình dài, dùng nhiều thuốc phức tạp, phải theo chỉ định của bác sĩ. Việc phát hiện, chẩn đoán sớm bệnh cũng cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa.
BS ĐOÀN VĂN HẢI