“Có nhiều loại nấm độc nhìn bề ngoài rất giống nấm ăn thường ngày, vì vậy cách phòng ngộ độc nấm hiệu quả nhất là chỉ nên ăn nấm trồng”, đó là lời khuyên của PGS-TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Chỉ trong vài tháng đầu năm 2014, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội đã tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị ngộ độc nấm, có nhiều trường hợp tử vong do chậm hoặc không sơ cứu ở tuyến trước. Đa số các trường hợp đều ở miền núi, có gia đình cả 5 người cùng bị ngộ độc.
Ở Phú Yên trong năm 2013 cũng đã có trường hợp ngộ độc nấm xảy ra tại Sơn Hòa do ăn nấm hoang dại được cấp cứu kịp thời nên không có trường hợp nào tử vong.
Ngộ độc nấm đã được ngành Y tế và các cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều. Hoạt động truyền thông phòng, chống ngộ độc nấm được triển khai thường xuyên nhưng vẫn có trường hợp ngộ độc xảy ra do người dân không phân biệt được nấm nào là nấm ăn được và nấm nào là nấm độc.
Nhiều người quen ăn nấm, nhất là nấm hoang dã, đã có kinh nghiệm, cùng với các cơ sở nghiên cứu đúc kết thành bài học như sau:
Không ăn nấm có màu sắc sặc sỡ, có mùi thơm hấp dẫn vì nấm này thường là nấm độc; không ăn các loại nấm hoang dại lúc còn non, vì lúc còn non chúng rất giống nhau (giống cúc áo), khó phân biệt; không ăn loại nấm khi cắt, vết cắt có rỉ ra chất trắng như sữa; không ăn nấm quá già, nấm có nghi ngờ, không rõ địa chỉ... Cũng có những loại nấm độc giống nấm ăn (nấm trồng), rất khó phát hiện nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy gốc có bao và có vòng cổ.
Loại biểu hiện ngộ độc sớm thường sau ăn 30 phút đến 2 giờ, tối đa là 6 giờ. Loại biểu hiện ngộ độc muộn, xuất hiện sau khi ăn 6 đến 40 giờ (trung bình 12 giờ). Có người bị muộn hơn, 6 đến 40 giờ sau ăn, bệnh nhân mới biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy dữ dội. Vào thời điểm này hầu hết chất độc đã vào máu. Sau 1 đến 2 ngày, các biểu hiện tiêu hóa trên giảm, người bệnh nghĩ là bệnh đã khỏi, song trên thực tế tình trạng ngộ độc vẫn tiếp diễn âm thầm ở các cơ quan khác. Sau 3 đến 4 ngày, cơ thể có những biểu hiện: vàng mắt, vàng da, mệt mỏi, ăn kém, đái ít dần, phù, chảy máu nhiều nơi, hôn mê và tử vong.
Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: Ngay sau khi có các biểu hiện của ngộ độc nấm cần gây nôn bằng phương pháp cơ học (móc họng cho nôn); cho uống thật nhiều nước, tốt nhất là dùng oresol; uống than hoạt: liều 1gam/kg cân nặng người bệnh; nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu người bệnh hôn mê, co giật, người chăm sóc nên cho người bệnh nằm nghiêng; hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu có tại chỗ. Người bệnh không tự về nhà sớm (1 đến 2 ngày) kể cả khi các biểu hiện ngộ độc ban đầu đã hết. Ngộ độc nấm loại biểu hiện muộn cần được điều trị tại các cơ sở y tế có phương tiện hồi sức tích cực tốt (thường tuyến tỉnh trở lên).
BS NGUYỄN VINH QUANG
GĐ Trung tâm TTGDSK Phú Yên