Cúm chim (avian influenza hay bird) hay cúm gia cầm là một loại bệnh cúm do vi rút gây ra cho các loài chim và gia cầm; có thể xâm nhập một số loài động vật có vú.
Các hộ chăn nuôi gia cầm chú ý không được giết mổ và sử dụng gia cầm nghi bị bệnh cúm - Ảnh: V.HOÀNG
Vi rút này phát hiện lần đầu tiên tại Ý cách đây hơn 100 năm và giờ phát hiện ở hầu hết các nơi trên thế giới. Vi rút gia cầm thuộc nhóm vi rút A của họ Orthomyxoviridae. Vỏ của vi rút cúm A bản chất là Glycoprotein bao gồm 2 kháng nguyên: Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) và kháng nguyên trung hòa N (Neuraminidase). Có 15 loại kháng nguyên H (H1-H15) và 9 loại kháng nguyên N (N1-N9). Những cách tổ hợp khác nhau của 2 loại kháng nguyên này tạo ra các phân typ khác nhau của vi rút cúm A. Từ năm 1997, các phân typ vi rút cúm gia cầm khác cũng đã phát hiện ở người như H7N2, H7N3, H7N7, H9N2 và H7N9. Tuy nhiên phân typ H5N1 là nguy hiểm nhất, gây tỉ lệ tử vong cao ở người.
Dịch cúm A/H5N1 trên người tại Việt Nam có những đặc điểm sau: Đa số các trường hợp nhiễm cúm ở người có liên quan tới cúm gia cầm; dịch chủ yếu tập trung vào các tháng mùa đông - xuân (khi thời tiết lạnh, ẩm); việc xuất hiện một số chùm ca bệnh gia đình có gợi ý đến yếu tố di truyền cũng đóng vai trò trong sự nhạy cảm với vi rút.
NGUỒN TRUYỀN NHIỄM:
Chim nước di trú (hầu hết là các loại vịt) làổ chứa tự nhiên của vi rút cúm gia cầm và chúng thường đề kháng với nhiễm vi rút, có nghĩa là chúng mang vi rút mà không bị bệnh. Các gia cầm nuôi đặc biệt cảm thụ với vi rút cúm. Các điều tra cho thấy người mắc bệnh có tiếp xúc mật thiết với gia cầm bị bệnh. Các nghiên cứu về di truyền xác định rằng vi rút đã lây truyền trực tiếp từ gia cầm sang người.
Thời kỳ ủ bệnh của cúm A/H5N1 dài hơn thời kỳ ủ bệnh của cúm mùa, từ 2 đến 8 ngày và có thể kéo dài đến 17 ngày. Tuy nhiên, việc phơi nhiễm nhiều lần với vi rút cúm dẫn đến việc khó xác định chính xác thời kỳ ủ bệnh. Thời kỳ lây bệnh của cúm A/ H5N1 như cúm theo mùa, người bệnh đào thải vi rút khoảng 1 đến 2 ngày trước khi khởi phát và 3 đến 5 ngày khi có triệu chứng lâm sàng, tuy nhiên cóthểkéo dài hơn, từ 7 đến 10 ngày.
PHƯƠNG THỨC LÂY TRUYỀN:
Các chủng của vi rút cúm gia cầm có thể lây nhiễm cho nhiều loại động vật khác nhau, như: chim, lợn, ngựa, hải cẩu, cávoi, hổvàngười. Vi rút có thể lan nhanh từ trại chăn nuôi này sang trại chăn nuôi khác bằng các cơ chế cơ học qua các phương tiện vận chuyển, quần áo, giày, dép... Vi rút có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi họng, phân gia cầm, bụi đất. Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc đồ dùng, vật dụng bị phơi nhiễm bởi phân gia cầm là đường lây truyền chính. Vi rút có thể lây truyền qua không khí (qua các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bị bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm) hay qua ăn uống (nước, thực phẩm nhiễm vi rút...) và tiếp xúc với dụng cụ và đồ vật nhiễm vi rút. Người có thể lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh qua chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn gia cầm và các sản phẩm của gia cầm bệnh mà chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh.
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT BỆNH:
Bệnh diễn biến hết sức cấp thời với biểu hiện đầu tiên là sốt. Sốt cao liên tục, trên 380C, có thể kèm rét run, tim đập nhanh. Chỉ sau vài tiếng đồng hồ, các triệu chứng đường thở bắt đầu xuất hiện: người bệnh ho, thường là ho khan, ít có các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, rát họng. Kế đến, bệnh nhân cảm thấy đau ngực. Sau nửa ngày, các triệu chứng trầm trọng xuất hiện nhanh: người bệnh thấy khó thở, tím tái, trường hợp nặng có thể có hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nhanh, nhịp thở càng lúc càng nhanh, thở dốc, thở nông, xanh tái. Giai đoạn này thầy thuốc có thể nghe phổi, thấy có ran ẩm, đủ để chẩn đoán viêm phổi.
BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG:
Các hộ gia đình cần phát hiện sớm hiện tượng gia cầm chết hàng loạt và thông báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn dịch lây lan; tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng gia cầm nghi bị bệnh cúm. Khi có người bị sốt cao có liên quan đến gia cầm bị bệnh, người nhà cần đưa họ đến ngay cơ quan y tế để điều trị kịp thời. Tại hộ gia đình, dùng Chloramin B và các chất khử khuẩn mạnh để diệt khuẩn và tẩy uế chuồng trại thường xuyên trong từng hộ gia đình và các khu vực có dịch cúm gia cầm.
BS ĐOÀN HÙNG ÁNH
Giám đốc Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa