Cảm mạo
Gây ra ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, đau đầu, sốt, sợ lạnh, toàn thân khó chịu. Để đề phòng cảm mạo phong hàn cho trẻ trong mùa đông, phải luôn giữ ấm cho trẻ, cho trẻ ăn uống nóng và đầy đủ chất dinh dưỡng. Không để trẻ ra nơi lạnh, có gió. Ban đêm đi ngủ phải chú ý cho trẻ đi tất và không nằm nơi có gió lùa.
Viêm mũi
Thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi nhưng cũng có khi gặp ở trẻ lớn hơn. Trẻ bị sốt 38-39oC, cũng có thể sốt cao hơn, chảy mũi, lúc đầu chảy mũi trong, loãng, những ngày sau thường chảy mũi nhầy, mủ. Trẻ cũng bị ngạt mũi, dấu hiệu này được thấy rõ hơn khi trẻ ngủ.
Ở những trẻ còn bú mẹ, dấu hiệu ngạt mũi còn thấy khi trẻ muốn bú mẹ nhưng ngậm vú thì không thở được nên trẻ lại phải nhả vú mẹ ra để thở và tất nhiên là trẻ sẽ khóc. Bệnh thường kèm theo ho, nếu có biến chứng viêm phế quản, ho sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Ngoài ra có thể thấy trẻ mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc, hơi thở hôi.
Tùy mức độ bệnh của trẻ mà bác sĩ ra chỉ định như: điều trị bằng thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt cao trên 380C, các thuốc làm loãng đờm giảm ho, các thuốc nhỏ mũi. Ngoài ra, việc làm sạch mũi thường xuyên là rất quan trọng. Dùng kháng sinh phải do thầy thuốc chỉ định trong những trường hợp nặng, có biến chứng hoặc đe dọa biến chứng.
Viêm phế quản
Có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, thường sau khi thay đổi thời tiết, hoặc bị viêm họng, viêm mũi... Nhiều trường hợp trẻ chỉ sổ mũi trong, ho nhẹ vài cái, vẫn chơi và ăn uống bình thường.
Nếu tình trạng này kéo dài, không điều trị đúng, trẻ dễ dẫn đến biến chứng bội nhiễm vi trùng gây viêm phế quản phổi rất nguy hiểm.
(Suckhoedoisong.vn)