Thứ Năm, 28/11/2024 13:51 CH
Bệnh gout
Thứ Hai, 02/12/2013 09:20 SA

Hỏi: Tôi bị bệnh gout đã lâu, dùng nhiều thuốc Tây, Nam, Bắc, ăn uống cũng kiêng khem nhiều, nhưng bệnh vẫn thường tái lại. Tại sao như vậy, có thể điều trị dứt hẳn được không, để lâu có nguy hiểm gì?

Nguyễn Thanh Bình (Hòa An, Phú Hòa)

Trả lời: Bệnh gout (cách gọi khác: bệnh thống phong), là một bệnh viêm khớp mạn tính có nguyên nhân phức tạp, hậu quả là sự tích tụ axit uric ở các khớp, gân, cơ, gan, thận... Nam giới thường mắc bệnh nhiều hơn nữ.

Triệu chứng điển hình thường được mô tả là đột ngột bị sưng tấy, đỏ ngón chân cái, đau nhức dữ dội. Tuy nhiên, cũng có trường hợp biểu hiện như viêm đa khớp, vị trí bắt đầu thường là các khớp chân. Xét nghiệm máu cho thấy hàm lượng axit uric tăng cao (trên 7mg%). Ở giai đoạn muộn biểu hiện sưng đau nhiều khớp, quanh khớp xuất hiện những u cục mật độ chắc, không di động (gọi là hạt tophy).

Axit uric là một sản phẩm thường ngày vẫn được tạo ra trong cơ thể do sự chuyển hóa các protein có nhân purin (xảy ra trong quá trình chết của các tế bào), do hấp thu từ thức ăn, do cơ thể tự tổng hợp. Bình thường axit uric được đào thải theo nước tiểu, một phần qua phân. Nồng độ bình thường trong máu duy trì ở mức 3 đến 7mg/100ml máu, nam cao hơn nữ.

Bệnh thường được mô tả xảy ra sau một bữa ăn thịnh soạn, nhiều rượu thịt; do đó người ta vẫn cho rằng nguyên nhân bệnh là do chế độ ăn giàu đạm (bệnh của nhà giàu!). Tuy nhiên khoa học đã chứng minh rằng, chế độ ăn chỉ là yếu tố thuận lợi; chính cơ chế tăng tạo axit uric, giảm thải axit uric mới là nguyên nhân cơ bản của bệnh. Tuy nhiên lý do làm tăng tạo axit uric vẫn không được rõ, nhưng có tính di truyền, và nam giới thường bị hơn nữ.

Mặc dù chế độ ăn, lối sống không phải là nguyên nhân chính của bệnh, nhưng trong điều trị và phòng ngừa các đợt tái phát bệnh, bác sĩ vẫn khuyên tránh các yếu tố thuận lợi làm khởi phát bệnh như hạn chế ăn một số thực phẩm có thể làm tăng axit uric máu như: phủ tạng động vật (bao tử, gan, não, thận, ruột), thịt gia cầm; hải sản như tôm, cua, cá biển; vài thực phẩm nguồn thực vật như đậu Hà Lan, rau lăng.

Uống nhiều rượu bia, thức uống có cồn làm giảm thải uric cũng làm tăng nguy cơ bệnh. Một số bệnh lý và thuốc điều trị cũng có thể làm tăng nguy cơ bị gout, như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao, phẫu thuật, các bệnh lý gây tổn thương nặng (làm phá hủy nhiều tế bào); ít vận động.

Điều trị chủ yếu vẫn là các thuốc giảm viêm, giảm đau, thuốc giúp thải axit uric theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Biến chứng lâu dài của bệnh là biến dạng khớp, hủy hoại khớp. Một số ít có thể bị sỏi thận hoặc nặng hơn nữa là suy thận (do tinh thể uric lắng đọng trong nhu mô thận).

BS ĐOÀN VĂN HẢI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
7 cách dùng lòng đỏ trứng bất ngờ
Chủ Nhật, 01/12/2013 16:37 CH
An Lĩnh tích cực phòng chống HIV/AIDS
Chủ Nhật, 01/12/2013 11:03 SA
Tỏi chống nhiễm khuẩn ở trẻ em
Thứ Bảy, 30/11/2013 18:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek