Sau chuyến hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật của bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Quang Dũng, Trưởng khoa Phục hồi chức năng (PHCN), Bệnh viện Nhi Trung ương cho các bác sĩ, kỹ thuật viên Bệnh viện Điều dưỡng PHCN Phú Yên về kỹ thuật nắn, bó bột theo phương pháp Ponseti để điều trị bàn chân khoèo bẩm sinh, bệnh viện này đã tiến hành thực hiện độc lập, góp phần can thiệp sớm phục hồi bệnh tật cho trẻ.
Bác sĩ Thủy thăm khám một trường hợp điều trị bàn chân khoèo
CAN THIỆP KỊP THỜI
Bé Trần Đình Tuấn mới sinh ra bị 2 bàn chân khoèo. Em được các y tá Trạm Y tế xã Sơn Giang (Sông Hinh) phát hiện bệnh và tư vấn cho người nhà nơi điều trị. Vậy là mới 5 ngày tuổi, bé Tuấn cùng mẹ đến Bệnh viện Điều dưỡng PHCN Phú Yên để được can thiệp sớm. Mẹ bé, chị Lê Thị Tích nói: “Thấy con bị bàn chân khoèo tôi rất hoang mang, nhưng khi nghe các bác sĩ ở bệnh viện nói, với phương pháp điều trị nắn bột hiện đại sẽ chữa khỏi chân con, tôi thấy yên tâm. Bé Tuấn được nắn bột 5 lần rồi. Tuấn đầy 2 tháng tuổi, mẹ con tôi mới được về nhà”.
Trước đó, bé Nguyễn Phạm Gia Bảo (phường 9, TP Tuy Hòa) cũng được gia đình đưa đến điều trị khi mới 5 ngày tuổi. Tại bệnh viện, bé được bác sĩ thực hiện phương pháp bó bột Ponseti 8 lần và cho mang giày nẹp ở chân đến khi bé được 3-4 tuổi sẽ tháo.
Theo bác sĩ Trương Thị Xuân Thủy, Trưởng khoa Vật lý trị liệu - PHCN, từ khi thực hiện phẫu thuật độc lập, bệnh viện đã tiến hành điều trị bàn chân khoèo cho 5 trẻ. Phần lớn những trẻ đến đây chỉ mới vài ngày tuổi nên rất thuận lợi trong điều trị. Cách điều trị của phương pháp này là sau khi chẩn đoán và xác định trẻ bị bàn chân khoèo bẩm sinh, bác sĩ thực hiện bó bột cho trẻ nhằm nắn chỉnh dáng bàn chân và chân cho bé. Phương pháp này bao gồm các lần nắn chỉnh nhẹ nhàng bàn chân em bé, rồi bó bột từ bàn chân lên đến đùi. Các lần nắn bó bột cách nhau một tuần. Các bước nắn và bó bột được lặp đi lặp lại trong 5 đến 8 tuần để chỉnh dần các xương vào đúng vị trí. Để tránh tái phát bàn chân khoèo, sau khi nắn và bó bột, bé sẽ mang một đôi giày cao cổ, hở các ngón chân và gắn vào 1 thanh kim loại để giữ bàn chân xoay ra ngoài, đồng thời tập luyện thêm để PHCN.
Theo bác sĩ Dương Tấn Thịnh, Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng PHCN Phú Yên, phương pháp này ngày càng được sử dụng rộng rãi ở Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới - là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị bàn chân khoèo bẩm sinh. Kỹ thuật này là một trong những tiến bộ của chương trình PHCN, có tác dụng tương đối bền vững lâu dài, tránh hậu quả về sau.
Không chỉ điều trị bàn chân khoèo, thời gian qua, Bệnh viện Điều dưỡng PHCN can thiệp kịp thời các bệnh, di chứng do bại não, liệt bẩm sinh với nhiều dạng khác nhau... Tùy theo mức độ nặng nhẹ mà bệnh viện có phương pháp điều trị phù hợp.
CẦN PHỐI HỢP TỐT TRONG PHÁT HIỆN SỚM
Bàn chân khoèo bẩm sinh là một dị tật thường gặp, chiếm tỉ lệ cao nhất so với các dị tật khác ở cơ quan vận động. Tỉ lệ bàn chân khoèo trong 12 xã có Chương trình Phát hiện sớm - Can thiệp sớm ở Phú Yên do Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam tài trợ là 1,38%o (trẻ dưới 1 tuổi), tỉ lệ cả nước là 1 đến 2%o. Bàn chân khoèo có thể phát hiện ngay từ khi mới sinh với biểu hiện là 1 hoặc cả 2 chân của trẻ đều bị cong vào bên trong. Thời điểm điều trị lý tưởng là sau khi bé được sinh ra 1 hoặc 2 tuần. Ưu điểm của phương pháp này là không can thiệp phẫu thuật, tỉ lệ thành công cao khi trẻ được điều trị sớm, kinh phí điều trị thấp.
Bác sĩ Dương Tấn Thịnh nói: Dự án “Phát hiện sớm - Can thiệp sớm” trẻ khuyết tật của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam được triển khai ở Phú Yên từ năm 2006 đã phát huy được hiệu quả và mang lại niềm vui, niềm tin cho những người có con em bị khuyết tật. Riêng thành công từ thực hiện phương pháp Ponseti trong điều trị bàn chân khoèo có ý nghĩa xã hội rất lớn: giảm gánh nặng trong gia đình trẻ khuyết tật, giảm gánh nặng xã hội; tạo khả năng tự chủ và độc lập đối với trẻ.
Phát hiện sớm khuyết tật giúp các đơn vị liên quan xây dựng được kế hoạch hỗ trợ can thiệp, điều trị tốt nhất cho trẻ. Đây được xem là nội dung ưu tiên hàng đầu trong chính sách hỗ trợ người khuyết tật nói chung và trẻ khuyết tật nói riêng. Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam đã hỗ trợ Phú Yên nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng về quản lý liên quan tới phát hiện sớm - can thiệp sớm cho cán bộ y tế, giáo dục, dân số các tuyến bằng hình thức tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, tham quan học tập, nhất là thường xuyên giám sát, đánh giá; đào tạo bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, hỗ trợ trang thiết bị y tế chuyên dùng để hỗ trợ, can thiệp tốt nhất cho trẻ. Hiện nay, mạng lưới chương trình này ở Phú Yên có sự kết nối tốt. Đặc biệt, ở 9 xã của 3 huyện do dự án của tổ chức Y tế Hà Lan tài trợ có sự liên kết chặt chẽ giữa bệnh viện các tuyến, bệnh viện chuyên khoa để chuyển viện và điều trị kịp thời.
Yếu tố gia đình trong việc phát hiện sớm - can thiệp sớm đóng vai trò quan trọng. Vai trò của gia đình trong phát hiện sớm là nhận ra các dấu hiệu khiếm khuyết trong sự phát triển về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tâm lý… so với ngưỡng phát triển bình thường của trẻ cùng lứa tuổi. Trên cơ sở đó, cán bộ y tế xây dựng kế hoạch hỗ trợ can thiệp, điều trị tốt nhất cho trẻ. Tỉ lệ phát hiện và điều trị trẻ khuyết tật ở Phú Yên ngày càng cao. Tuy nhiên, còn rất nhiều gia đình khó nhận biết những sự phát triển bất thường cũng như các dấu hiệu của các dạng khuyết tật của trẻ.
Vấn đề đặt ra, muốn can thiệp sớm, can thiệp toàn diện phải có sự hợp tác hiệu quả giữa các ngành, địa phương và gia đình trong việc phát hiện sớm.
VŨ HOÀNG