Thứ Năm, 10/10/2024 05:16 SA
Tiểu đường và những vấn đề… ngại hỏi
Thứ Tư, 07/03/2007 07:00 SA

- Vợ tôi bị bệnh tiểu đường (TĐ) vài năm nay. Từ đó, quan hệ tình dục có thay đổi, có phải vì bị bệnh TĐ không?

- Bệnh TĐ có thể gây rối loạn tình dục bởi:

Yếu tố tâm lý: Khi biết mình bị bệnh TĐ, bệnh nhân thường mất tự tin, lo lắng, áy náy hoặc trầm cảm nên có khả năng làm ảnh hưởng đến tình dục. Yếu tố tâm lý chiếm tỷ lệ lớn trong những lý do rối loạn tình dục ở cả nam giới lẫn nữ giới.

Rối loạn cơ năng: Nếu bệnh TĐ kéo dài, không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến việc làm tổn thương các động mạch và hệ thần kinh nói chung. Do đó, hệ thần kinh và động mạch liên hệ tới hoạt động tình dục cũng bị thương tổn.

- Xin cho biết những triệu chứng khi có rối loạn tình dục ở phụ nữ bị bệnh TĐ.

- Phần lớn rối loạn tình dục là do yếu tố tâm lý và tuổi tác, chỉ một phần nhỏ là do thương tổn cơ năng. Triệu chứng thường gặp là:bớt ham muốn chuyện phòng the; âm đạo bị khô; đau đớn khi quan hệ tình dục; khó đạt khoái cảm. Phụ nữ bị TĐ thường cảm thấy lo lắng và mệt mỏi về bệnh tình của mình. Việc này cũng gây ảnh hưởng tới quan hệ tình dục.

- Tôi bị bệnh TĐ nhiều năm nay nghe nói khi bị bệnh TĐ thì dương vật khó cương cứng, đúng không?

- Hiệp hội những người bệnh TĐ tại Pháp (AFD) đã tổ chức một cuộc điều tra và thăm dò về việc rối loạn dương cương nơi các thành viên. Kết quả cho thấy hai nguyên nhân chính và đứng đầu là tuổi tác và vợ chồng không hòa thuận (ở người không bị bệnh TĐ cũng thế). Tiếp đó là do rối loạn cơ năng khi bị bệnh TĐ kéo dài, gây thương tổn về động mạch, thần kinh.

- Những triệu chứng rối loạn tình dục ở người đàn ông bị bệnh TĐ?

- Ở nam giới bị bệnh TĐ, rối loạn tình dục thường đồng nghĩa với rối loạn cương dương. Xuất tinh sớm thường không do TĐ mà có thể do một số nguyên nhân khác. Nguyên nhân tâm lý, trong đó stress về lâu dài cũng có thể gây thương tổn cho động mạch. Nguyên nhân khác là do ăn nhậu (rượu không chỉ có thể gây ra bệnh TĐ mà còn làm tăng nồng độ chất béo (cholesterol, triglycerid) trong máu). Từ đó, các động mạch sẽ bị tổn thương, dễ bị nghẽn khiến máu không thể tới làm cương cứng dương vật được. Đồng thời, hệ thống thần kinh điều khiển tình dục cũng sẽ bị thương tổn nếu lượng đường trong máu không được quân bình trong một thời gian dài.

- Người bệnh TĐ cần làm gì để giảm nguy cơ rối loạn tình dục?

- Hãy làm tất cả những gì có thể được để “sống chung với bệnh”. Ngoài việc điều trị tốt, cần tìm hiểu nhiều về căn bệnh của mình. Tuân thủ chế độ ăn uống theo lời dặn của bác sĩ chuyên khoa. Vận động thân thể, tập thể dục thể thao, đi bộ, tránh stress; không rượu chè, sống lành mạnh để kiểm soát bệnh tốt hơn… 

Theo BS NGỌC HÀ (SGGP)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek