Thứ Năm, 10/10/2024 03:26 SA
Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ: triệu chứng và cách phòng
Thứ Năm, 01/03/2007 07:03 SA

Từ ngày thứ 25 sau khi thụ tinh, ở bào thai đã bắt đầu hình thành hệ tuần hoàn. Đến tuần thứ 8, quả tim đã được tạo ra hoàn chỉnh. Vì vậy, các tác động từ bên ngoài trong thời gian này đều có thể để lại dị tật cho tim.

 

Theo thống kê tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh), bệnh tim bẩm sinh chiếm tỉ lệ 0,8% trong các trường hợp mang thai đầu tiên và từ 2-6% trong các trường hợp mang thai lần 2. Nếu trong gia đình đã có 2 người có dị tật tim bẩm sinh, nguy cơ này ở đứa trẻ sẽ ra đời là 20-30%.

 

Có đến 50% trường hợp bệnh tim bẩm sinh không xác định được nguyên  nhân, số còn lại do nguyên nhân sau:

 

- Di truyền: Do đột biến gien hay đột biến nhiễm sắc thể trong quá trình mang thai, hoặc di truyền từ thế hệ trước.

 

- Tác động của môi trường: Do lúc mang thai, người mẹ mắc bệnh, bị nhiễm trùng, nhiễm vi rút (đặc biệt là cúm và Rubéole), uống rượu quá nhiều, ngộ độc hoá chất và các thuốc chữa bệnh hoặc bị ảnh hưởng của tia phóng xạ.

 

Trẻ mắc bệnh tim không nhất thiết phải tránh hoàn toàn các hoạt động thể lực.  Trái lại, việc tập luyện vừa sức sẽ làm tăng khả năng thích ứng của cơ thể. Nên tiến hành tiêm chủng bình thường cho trẻ. Nếu trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, cần điều trị cẩn thận để không làm cho các tổn thương và tình trạng suy tim trầm trọng thêm.

 

Những đứa bé bị tim bẩm sinh nếu được phẫu thuật vẫn có thể sinh con bình thường. Khi chưa điều trị, người phụ nữ mắc bệnh này phải tìm  cách tránh thai vì việc mang thai sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng người mẹ.

 

Việc phẫu thuật để chữa các dị tật bẩm sinh khá đơn giản. Đối với các lỗ thông tim, có thể bít lại bằng các kỹ thuật mới mà không cần mổ.

 

Trẻ có bệnh tim bẩm sinh thường ho, vã mồ hôi, nhanh bị mệt, lồng ngực bị rút lõm khi hít vào. Một số em da xanh xao, môi và đầu ngón tay, ngón chân tím ngắt khi khóc hoặc từ khi mới sinh. Những em này thường kém ăn, khi bú dễ bị mệt, có khi phải ngưng lại để thở rồi mới bú tiếp. Do đó, trẻ chậm lên cân, thậm chí sụt cân, chậm mọc răng, chậm biết bò, đứng và đi chậm hơn so với trẻ bình thường. Trong một số  trường hợp, trẻ mang tật tim bẩm sinh nhưng không có biểu hiện gì, chỉ tình cờ được phát hiện khi khám sức khỏe. Một số bệnh khác cũng đi kèm với tật tim bẩm sinh như hội chứng Down, sứt môi- chẻ vòm, thiếu hoặc thừa ngón tay, ngón chân, tật đầu to, đầu nhỏ...

 

Cách phòng  tránh tật tim bẩm sinh cho trẻ:

 

Tốt nhất là trước khi mang thai, người mẹ nên khám sức khỏe định kỳ, tiêm phòng một số bệnh như sởi, quai bị, viêm gan siêu vi B và điều trị các bệnh tiểu đường, lupus đỏ... nếu có. Trong quá trình mang thai, bà mẹ phải thường xuyên theo dõi thai kỳ tại cơ sở y tế, Tránh uống rượu, tiếp xúc với các hoá chất, độc chất, không chụp hình bằng tia X. Khi dùng bất cứ thuốc gì phải hỏi ý kiến của bác sĩ.

 

Bác sĩ  NGUYỄN VĂN BA

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thực phẩm cho nhan sắc
Chủ Nhật, 25/02/2007 11:08 SA
Gan nhiễm mỡ
Thứ Bảy, 24/02/2007 08:15 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek