Hội thảo sàng lọc ung thư cổ tử cung vừa được Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức tại Hà Nội. Theo các báo cáo tại hội thảo, ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến trong các loại ung thư đối với phụ nữ trên toàn thế giới và đứng thứ 2 sau ung thư vú. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hằng năm có khoảng 530.000 phụ nữ mắc mới ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới và có khoảng 275.000 người tử vong do bệnh này, trong đó 80% số ca tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, mỗi năm trung bình có 12.000 ca mắc mới bệnh ung thư cổ tử cung, trong đó có 2.500 đến 5.600 ca tử vong. Các nghiên cứu về ung thư cho thấy, tần suất mắc ung thư cổ tử cung có xu hướng gia tăng. Nếu không có biện pháp can thiệp sàng lọc, dự phòng và điều trị ung thư cổ tử cung thì trong khoảng 10 năm nữa, tỉ lệ mắc mới và tử vong do bệnh này sẽ tăng thêm khoảng 25%. Mặc dù là bệnh có thể dự phòng và phát hiện sớm, nhưng hiện tại ung thư cổ tử cung vẫn là một trong những bệnh ung thư thường gặp nhất ở Việt Nam và tỉ lệ mắc mới bệnh này là 13,6/100.000 phụ nữ. Nguyên nhân chính được đưa ra tại hội thảo là do phụ nữ chưa được sàng lọc định kỳ có hệ thống để phát hiện sớm ung thư qua các xét nghiệm thích hợp, dễ tiếp cận. Có nhiều trường hợp khi phát hiện tổn thương tiền ung thư cũng chưa được điều trị kịp thời và hiệu quả.
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Phú Yên, tỉ lệ phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung ở Phú Yên cao hơn mức trung bình của cả nước, khoảng 20/100.000 phụ nữ. Nguyên nhân là do Phú Yên thuộc vùng có ảnh hưởng nhiều chất độc da cam/dioxin; môi trường kém; hỗ trợ dịch vụ y tế phát hiện sớm chưa đủ độ phủ an toàn.
Nhu cầu phát hiện và điều trị tiền ưng thư cổ tử cung ở Phú Yên đang là vấn đề bức thiết. Thời gian qua, với sự hỗ trợ của GIZ, công tác sàng lọc, phát hiện sớm can thiệp tổn thương tiền ung thư cổ tử cung để dự phòng tích cực thứ cấp ung thư cổ tử cung ở vùng miền có nguồn lực đầu tư thấp và khó khăn ở Phú Yên đã có khả thi. Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đã được đào tạo, trang thiết bị được đầu tư. Vấn đề đặt ra là kết nối sàng lọc qua chương trình khám phụ khoa thường xuyên để phát hiện bệnh. Sau hội thảo, các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Tây Hòa được GIZ hỗ trợ thiết kế thành lập một hệ thống liên hoàn sàng lọc, phát hiện sớm can thiệp tổn thương tiền ung thư cổ tử cung để dự phòng tích cực thứ cấp ung thư cổ tử cung.
THU THỦY